Một trong những câu hỏi mở về sinh học vũ trụ là liệu có sự sống ở đâu đó trong hệ mặt trời nữa không?
Hai nhà vật lý thiên văn học người Mỹ, ông Avi Loeb ở Trường đại học Harvard và ông Jason Wright ở Trường đại học bang Pennsylvania đều tìm cách trả lời câu hỏi này.
Ông Loeb cho rằng những cổ vật công nghệ từ những nền văn minh đến từ bên ngoài hệ mặt trời có thể tồn tại đâu đó trên Mặt Trăng đủ nhiều để nói lên rằng “chúng tôi tồn tại”.
Ông Wright, một thành viên của Trung tâm các Ngoại hành tinh và Thế giới có sự sống, đã tiến hành nghiên cứu và nhận định một loài sinh vật có trình độ công nghệ đã tồn tại trong hệ mặt trời trước khi loài người xuất hiện trên Trái Đất.
Năm 2016, ông đã tập hợp và trình bày nghiên cứu của mình nói về nguồn gốc và địa điểm những “kỹ thuật tín hiệu” của một nền văn minh như vậy, trong khi các nhà thiên văn học khác tìm kiếm ánh sáng từ các vật thể trong vành đai Kuiper “có thể là đèn hiệu cho biết sự tồn tại của các công nghệ ngoài trái đất, hay chính là các nền văn minh khác ngoài Trái Đất.”
Nguồn gốc và địa điểm của những kỹ thuật tín hiệu của một sinh vật có trình độ công nghệ có thể đã từng xuất hiện trên chính Trái Đất thời cổ đại hoặc trên một hành tinh nào khác, như trên sao Kim trước khi nó là hành tinh khí nhà kính như ngày nay hoặc trên sao Hỏa khi nó còn có nước.
Trong trường hợp sao Kim, sự xuất hiện của khí nhà kính và biến đổi bề mặt có thể đã xóa sạch mọi bằng chứng của sự tồn tại của nền văn minh đó trên bề mặt hành tinh này. Trong trường hợp của Trái Đất, sự bào mòn và sau đó là kiến tạo địa tầng có thể cũng đã xóa đi hầu hết các bằng chứng nếu loài sinh vật đó đã sống cách đây 1 tỷ năm.
Những kỹ thuật tín hiệu bản địa còn lại có thể đã vô cùng xưa cũ, khiến cho việc tìm kiếm địa điểm tồn tại của chúng trở nên rất khó khăn nếu chúng có còn lại ở bên dưới lớp bề mặt của sao Hỏa và Mặt Trăng hoặc nơi nào khác trong hệ mặt trời.
Ông Wright quả quyết rằng “câu trả lời hiển nhiên nhất là biến cố địa chất mà truyền thuyết gọi là cơn Đại hồng thủy, cho dù nó là một sự kiện của thiên nhiên, như là một vụ va chạm thiên thạch ở cấp độ hủy diệt, hay sự kiện tự thân như là thảm họa khí hậu toàn cầu đi nữa.
Trong trường hợp đó là một loài sinh vật du hành không gian từ bên ngoài đến định cư trong hệ mặt trời thì sự kiện biến cố đó chỉ vĩnh viễn xóa sổ loài sinh vật này nếu có rất nhiều thảm họa ở khắp hệ mặt trời diễn ra liên tục gần như cùng một lúc (một loạt các sao chổi hoặc chiến tranh giữa các hành tinh), hoặc nếu việc định cư đó không đủ thỏa mãn cho loài sinh vật này.
Một khả năng khác là đã có một vụ nổ tia gamma hay siêu tân tinh gây ra thảm họa trong toàn bộ hệ mặt trời.
Từ quan điểm khoa học thuần túy, ông Wright cho rằng đó là một câu hỏi hoàn toàn hợp lý khi đặt vấn đề liệu sự sống có thể đã hay đang tồn tại ở nơi nào khác trong Hệ Mặt Trời hay không.
Trong một bài báo khoa học năm 2019, nhà vật lý thiên văn học Loeb cùng đồng nghiệp đã trả lời câu hỏi này một cách chắc chắn rằng “có”. Các tác giả nói đến việc tìm kiếm trên bề mặt Mặt Trăng các vật thể liên sao qua thời gian có thể đã đem đến đây những mầm sống từ những môi trường có sự sống khác trong vũ trụ.
Trong bài “Mặt Trăng là lưới đánh bắt sự sống ngoài Trái Đất”, ông viết “việc Mặt Trăng không có khí quyển đảm bảo cho những người đưa tin này chạm được đến bề mặt Mặt Trăng mà không hề bị cháy.
Bên cạnh đó, Mặt Trăng không có hoạt động địa chất chứng tỏ những bằng chứng trên bề mặt sẽ được bảo tồn mà không bị pha trộn với vật chất nằm sâu bên dưới. Như một hộp thư tự nhiên, bề mặt Mặt Trăng thu thập tất cả những vật thể rơi xuống trong vài tỷ năm về trước. Phần lớn những “lá thư” này đến từ bên trong hệ mặt trời”.
Phạm Hường
Theo Daily Galaxy
Link gốc: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/he-mat-troi-da-tung-co-nen-van-minh-khac-ngoai-trai-dat-20200504000733905.htm
0 Nhận xét