1.400 nhà đầu tư Nhật Bản xem xét mở rộng sản xuất sang Việt Nam


Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), 41% công ty Nhật Bản với khoảng 1.400 doanh nghiệp đang hướng đến Việt Nam để mở rộng sản xuất. JETRO nhấn mạnh, giới đầu tư Nhật Bản chuyển trọng tâm sang Châu Á do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Việt Nam và Nhật Bản cũng ưu tiên thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi đã bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế -thương mại giữa hai nước.

41% doanh nghiệp Nhật Bản xem xét mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), ngày càng nhiều công ty Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á và thu nhỏ hoạt động tại Trung Quốc do căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.

Hãng tin Kyodo trích dẫn một cuộc khảo sát của JETRO được thực hiện vào cuối năm ngoái, cơ quan do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn cho biết, theo một báo cáo thương mại và đầu tư hàng năm, có đến 41% (tức khoảng 1.400 doanh nghiệp công ty Nhật Bản) đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, tăng 5,5% so với một năm trước đó.

Báo cáo công bố ngày 30/7 trích dẫn cuộc khảo sát cho biết 36,3% người được hỏi đưa ra câu trả lời tương tự cho Thái Lan, tăng 1,5%, trong khi 48,1% nói rằng họ sẽ thúc đẩy kinh doanh ở Trung Quốc, giảm 7,3%.

“Kể từ năm 2018, căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy việc đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”, báo cáo cho biết.

“Khoảng cách giữa lượng đầu tư (Nhật Bản) vào ASEAN và Trung Quốc đã mở rộng từ 10,2 tỷ yên vào năm 2017 lên 20,4 tỷ yên (191 triệu USD) vào năm 2019”, số liệu thống kê ghi nhận.

Nói về những động thái hướng tới việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, một doanh nghiệp sản xuất thép, kim loại màu và gia công các bộ phận kim loại ở Tokyo cho biết họ đã chuyển một phần chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan và chuyển các mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Một nhà sản xuất thép và kim loại màu ở vùng Shikoku, miền tây Nhật Bản, cho biết họ đang có kế hoạch chuyển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cuộc khảo sát, được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12, với sự tham gia của 9.975 công ty Nhật Bản, cho biết có khoảng 3.562 doanh nghiệp (tương đương 35,7%) quan tâm nhiều đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Trong khi đó, khoảng 80% các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng sẽ giảm vào năm 2020 so với năm trước do nhu cầu thu hẹp sau đại dịch Covid-19, theo báo cáo hàng năm.

Ở châu Á, có đến 91,4% công ty Nhật Bản hoạt động ở Ấn Độ, 89,4% ở Malaysia, 88,4% ở Thái Lan, 85,3% ở Philippines và 84,4% ở Indonesia đưa ra dự báo tương tự. Đại dịch cũng đã làm giảm đáng kể đầu tư của Nhật Bản vào thị trường châu Á.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giảm 35,5% đối với toàn ASEAN.

Trước đó, hồi tháng 7, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội Takeo Nakajima nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nên doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sớm khôi phục sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo ông Takeo Nakajima, về dài hạn, trong 10-15 năm tới, việc mở rộng cơ sở sản xuất của giới đầu tư Nhật sẽ được tăng cường và Việt Nam có thể trở thành thị trường tiềm năng vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa.

Việt Nam – Nhật Bản thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng

Trước đó, vào đầu tháng 8, theo cơ chế luân phiên, Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng được tổ chức tại Việt Nam theo hình thức họp trực tuyến.

Tại cuộc họp này, với lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi đã bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế -thương mại giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng.

Điểm đáng chú ý trong kỳ họp lần thứ 4 này, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những kết quả hợp tác giữa hai bên kể từ Kỳ họp lần thứ 3 của Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam Nhật Bản, đặc biệt là kết quả hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác năng lượng, hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô, hóa chất, đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Hà Nội.

Trên thực tế, cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh do coronavirus đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới, khu vực nói chung và hoạt động giao thương giữa hai nước nói riêng.

Hai Bộ trưởng nhất trí việc hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai Bên trong thời gian tới cần bám sát theo các mục tiêu của Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 và Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản.

Tại cuộc họp, đồng chí Trần Tuấn Anh và ông Kajiyama Hiroshi cùng xác định phương hướng tăng cường hợp tác song phương thời gian tới, trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời, khẳng định cần tính tới nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tính đa dạng, minh bạch và bền vững trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, có khả năng chống chịu tác động.

Đối với vấn đề này, hai Bộ trưởng nhất trí tầm quan trọng của việc thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, bền vững hơn thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ đa dạng hóa cơ sở sản xuất hàng hóa, nguyên liệu ở nước ngoài. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam để thực hiện mục tiêu này.

“Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Nhật Bản hỗ trợ phát triển nhân lực cho Việt Nam?

Về việc hợp tác nâng cao năng lực và sức cạnh tranh công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao đóng góp của các hỗ trợ kỹ thuật từ Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực trong những năm qua.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, rất vui mừng trước việc dự án tại Việt Nam nằm trong sáng kiến của Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm điều khiển ô tô trong các nước ASEAN sẽ được triển khai đầu tiên trong năm 2020 này.

Hợp tác giữa hai Bên trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sẽ có ý nghĩ hơn thông qua việc nhân rộng mô hình đào tạo “kỹ thuật gắn liền với kỹ năng thực hành và sáng tạo” (mô hình KOSEN) tại các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương.

“Hợp tác này nhằm nâng cao năng lực và tạo thêm giá trị gia tăng cho một số ngành công nghiệp chủ chốt tại Việt Nam như hóa chất, dệt may, công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Đặc biệt bằng cách tận dụng sự hợp tác của khu vực công và tư nhân về chuyển đổi kỹ thuật số, chẳng hạn như chương trình hợp tác trực tuyến mới do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam khởi xướng.

Cùng với đó, hai Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ số cũng như sản xuất thông minh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Nhận thức được tính tất yếu của việc thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm và phát triển khung chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0.

Liên quan đến mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển hơn do những thách thức mà Covid-19 đặt ra, các Bộ trưởng của Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu vì một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, để giữ cho thị trường mở và để duy trì hệ thống đa phương dựa trên luật lệ trong khuôn khổ các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các Bộ trưởng khẳng định lại cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời nhất trí ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại đa phương mà hai bên cùng tham gia, đặc điểm địa lý tại các cuộc họp đa phương bao gồm ASEAN + 3, EAS và APEC.

Đối với lĩnh vực năng lượng, hai Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi với nguồn cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng, ổn định trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cách thức tận dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19.

Phía Việt Nam và Nhật Bản đều chia sẻ quan điểm Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là rất quan trọng đối với cả hai nước. Hai vị lãnh đạo nhất trí rằng Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục quan tâm đến dự án trên cơ sở các điều kiện hai bên đã thỏa thuận.

Theo: https://vn.sputniknews.com/business/202008179372666-cuoc-thao-chay-khoi-trung-quoc-1400-nha-dau-tu-nhat-ban-chon-viet-nam/

Đăng nhận xét

0 Nhận xét