Những bằng chứng cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang đến gần điểm bùng phát trong thế kỷ này có thể đánh thức lại một kiểu khí hậu cổ đại tương tự như El Nino từng xảy ra ở Ấn Độ Dương. Nếu vượt qua mức giới hạn, lũ lụt, bão và hạn hán có khả năng trở nên tồi tệ hơn và trở nên thường xuyên hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia.
Các mô phỏng trên máy tính về biến đổi khí hậu trong nửa sau của thế kỷ cho thấy sự nóng lên toàn cầu có thể làm xáo trộn nhiệt độ bề mặt của Ấn Độ Dương, khiến chúng tăng và giảm từ năm này sang năm khác mạnh hơn nhiều so với hiện nay. Mô hình rất giống với El Nino, một hiện tượng khí hậu xảy ra ở Thái Bình Dương và ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn cầu.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc tăng hoặc giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ vài độ sẽ khiến Ấn Độ Dương hoạt động giống hệt như các đại dương nhiệt đới khác với nhiệt độ bề mặt đồng đều ít hơn trên đường xích đạo, khí hậu thay đổi hơn và với El Nino của riêng nó”, Pedro DiNezio, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Vật lý địa cầu thuộc Đại học Texas cho biết.
Theo nghiên cứu, nếu xu hướng ấm lên hiện nay tiếp tục, hiện tượng El Nino xảy ra ở Ấn Độ Dương có thể xuất hiện sớm nhất là vào năm 2050. Kết quả công bố được xây dựng dựa trên một báo cáo năm 2019 bởi nhiều tác giả đã tìm thấy bằng chứng về một El Nino ở Ấn Độ Dương ẩn giấu trong vỏ của sinh vật biển siêu nhỏ, được gọi là forams, sống cách đây 21.000, thời kỳ đỉnh cao của Kỷ Băng hà cuối cùng khi Trái đất lạnh hơn nhiều.
Để chỉ ra liệu một El Nino Ấn Độ Dương có thể xảy ra trong một thế giới nóng lên hay không, các nhà khoa học đã phân tích các mô phỏng khí hậu, phân nhóm chúng theo mức độ phù hợp với các quan sát ngày nay. Khi các xu hướng nóng lên toàn cầu được đưa vào, các mô phỏng chính xác nhất là những mô phỏng cho thấy El Nino Ấn Độ Dương nổi lên vào năm 2100.
Kaustubh Thirumalai, người đứng đầu nghiên cứu đã phát hiện ra bằng chứng về một Kỷ Băng hà của Ấn Độ Dương do El Nino cho rằng điều kiện khí hậu ảnh hưởng đến gió và dòng chảy đại dương ở Ấn Độ Dương trong quá khứ giống như cách mà sự nóng lên toàn cầu ảnh đang hưởng trong các mô phỏng.
"Điều này có nghĩa là Ấn Độ Dương ngày nay trên thực tế có thể bất thường", Thirumalai, trợ lý Giáo sư tại Đại học Arizona, nói.
Ấn Độ Dương ngày nay đang trải qua những đợt biến đổi khí hậu rất nhẹ hàng năm vì những cơn gió thổi nhẹ từ tây sang đông, giữ cho điều kiện đại dương ổn định. Theo các mô phỏng, sự nóng lên toàn cầu có thể đảo ngược hướng của những cơn gió này, làm mất ổn định đại dương và khiến khí hậu biến thành sự nóng lên và làm mát giống như hiện tượng khí hậu El Nino và La Nina ở Thái Bình Dương. Kết quả là các thái cực khí hậu mới trên toàn khu vực, bao gồm cả sự gián đoạn của gió mùa trên Đông Phi và Châu Á.
Thirumalai nói rằng sự phá vỡ các cơn gió mùa sẽ là mối quan tâm đáng kể đối với dân số phụ thuộc vào những cơn mưa hàng năm thường xuyên để trồng trọt.
Trong khi đó đối với Michael McPhaden, một nhà hải dương học vật lý tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, người tiên phong nghiên cứu về sự biến đổi khí hậu nhiệt đới, báo cáo nhấn mạnh tiềm năng về sự thay đổi khí hậu do con người điều khiển có thể ảnh hưởng không đồng đều đến các quần thể dễ bị tổn thương.
"Nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục theo xu hướng hiện tại, vào cuối thế kỷ các sự kiện khí hậu cực đoan sẽ tấn công các quốc gia xung quanh Ấn Độ Dương, như Indonesia, Úc và Đông Phi với cường độ ngày càng tăng. Nhiều quốc gia đang phát triển trong khu vực này có nguy cơ cao đối với các loại sự kiện cực đoan này”, Michael McPhaden nhấn mạnh.
Theo dantri.com.v
0 Nhận xét