Cho đến nay, chưa ai rõ nguồn gốc đích thực của chiếc áo dài. Các hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cho thấy thủy tổ của nó, vốn làm bằng da thú và lông chim, xuất hiện trước thời Hai Bà Trưng.
Theo truyền thuyết, Hai Bà Trưng đã mặc giáp vàng hai tà, che lọng vàng khi cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân nhà Hán.
Cũng tương truyền, do tôn kính Hai Bà, phụ nữ Việt Nam tránh mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân, tượng trưng cho bốn bậc sinh thành (của hai vợ chồng). Vả lại, khi đó kỹ thuật còn thô sơ, vải được dệt thành từng mảnh khổ nhỏ nên phải ghép bốn mảnh lại mới may đủ một áo, gọi quen là áo tứ thân.
Áo gồm hai mảnh đằng sau chắp lại giữa sống lưng. Hai mảnh trước được thắt lại và để thòng xuống ở giữa, nên không phải cài cúc khi mặc. Bình thường, gấu áo được vén lên, chỉ khi có đại tang mới thả xuống và mép vải để lộ ra ngoài thay vì dấu vào trong. Đấy là hình ảnh chiếc áo dài tứ thân mộc mạc, khiêm tốn.
Vào thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân được biến cải thành áo ngũ thân, rất phổ thông trong giới quyền quý và dân thành thị. Áo ngũ thân cũng được may như áo tứ thân, nhưng vạt áo bên phải phía trước chỉ được may bằng một thân vải, còn vạt áo bên trái được may bằng hai thân vải như vạt áo đằng sau.
Ngoài ra, áo năm thân có khuy áo như đàn ông, lúc mặc có thể cài khuy như áo dài ngày nay hoặc thắt vạt như áo tứ thân. Về ý nghĩa, bốn thân áo chính tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo; năm chiếc khuy tượng trưng cho đạo làm người theo Khổng Giáo: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Năm 1884, triều đình Huế nhượng quyền cai trị nước vào tay Pháp. Sau khi chính phủ Pháp mở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, nhiều cuộc cải cách cho chiếc áo dài truyền thống đã được một số người có tâm huyết với chiếc áo dài đưa ra. Các màu nâu, đen được thay bằng các sắc màu tươi sáng hơn, gây sôi nổi trong dư luận quần chúng thời ấy.
Năm 1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã khích động phong trào cải cách: "...Các nhà đạo đức thường nói: Quần áo chỉ là những vật dụng để che thân thể ta khỏi bị gió mưa, nắng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái đẹp, cái sang của nó làm gì...Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu...."
Trong thập niên 1930, Cát Tường đưa ra thị trường kiểu áo dài mới Le mur, được vẽ theo kiểu áo đầm Tây Phương với nối vai và tay phồng, cổ lá sen, cài khuy trên vai, mặc với quần trắng, đeo bóp, che dù...
Sau đó, họa sĩ Lê Phổ cải tiến áo Le mur và mẫu áo dài này được hoan nghênh trong Hội chợ Nữ Công Đà Nẵng. Đây là một kết hợp giữa áo Le mur và áo tứ thân, rất gần gũi với chiếc áo dài tân thời ngày nay: nối vai và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn.
Áo dài Lê Phổ được may bằng vải màu mặc với quần trắng, tóc búi lỏng hay vấn trần hoặc vấn khăn nhung. trong suốt gần 30 năm sau, chiếc áo dài không thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ cổ áo, gấu áo, và eo áo. Những thay đổi này tuỳ theo thị hiếu thẩm mỹ của từng giai đoạn một.
Có thể khẳng định: không nơi đâu có tà áo dài độc đáo như của Việt Nam. Chiếc áo dài biểu tượng cho nét duyên dáng, thanh thoát của người phụ nữ Việt Nam.Vì thế, tà áo dài xứng đáng với tên gọi "Nét duyên dáng Việt Nam"!.
Nguồn: https://www.cungviettiephp.com.vn/van-nghe/bai-viet/tan-man-ve-chiec-ao-dai-viet-nam.html
0 Nhận xét