Chuyên gia Việt Nam bác bỏ luận cứ Trung Quốc về công hàm Phạm Văn Đồng

Phạm Văn Đồng là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976, và là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1955 đến năm 1976

Trung Quốc tới nay vẫn sử dụng thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958, nói đây là chứng cứ Việt Nam từ bỏ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Vậy đánh giá mới nhất của các chuyên gia Việt Nam là thế nào?

Hôm 17/4/2020, bản công hàm từ năm 1958 do người đứng đầu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi cho người đồng cấp Chu Ân Lai của phía Trung Quốc đã được Bắc Kinh viện dẫn trong một công hàm (CML/42/2020) gửi lên Liên Hợp quốc, cùng lúc Bắc Kinh có các cáo buộc nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền, xâm chiếm biển, đảo của Trung Quốc.

'Bước leo thang, tuyên chiến'?

Bình luận về động thái này, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, hiện là Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật & Phát triển, từ Hà Nội nói:

"Trước hết, đây là một bước leo thang mới của Trung Quốc trong việc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ đã thể hiện rất rõ.

"Ngay tuyên bố của Trung Quốc cho rằng Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là thuộc về của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam rút khỏi và họ tuyên bố rằng Việt Nam đã chiếm những đảo và thực thể mà Việt Nam hiện nay Việt Nam đang chấn giữ một cách hợp pháp, thì họ bảo rằng đó là những vị trí mà Việt Nam đã xâm lược, cũng như đã chiếm giữ bất hợp pháp.

"Thì đây theo tôi gần như một tuyên bố có thể nói là tuyên chiến rồi, đồng thời họ nói là họ sẽ bảo vệ lợi ích ở những vùng biển này, cũng như ở các đảo này, bằng mọi phương tiện và một cách kiên quyết, thì giới chuyên gia đã bình luận đây là một lời đe dọa về dùng vũ lực rồi, không phải là bình thường nữa."


Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh năm 1965

'Nằm trong nghị trình'

Liên quan đến việc Trung Quốc công bố, viện dẫn công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, ông Hoàng Ngọc Giao bình luận:

"Theo tôi, tới lúc này, đây là câu chuyện có thể sẽ nằm trong nghị trình của một phiên giải quyết tranh chấp xét xử tại một cơ quan tài phán quốc tế rằng là công hàm này có giá trị pháp lý như thế nào, đến đâu.

"Trung Quốc đã dám công bố viện dẫn công hàm Phạm Văn Đồng, thì họ có dám ra trước cơ quan tài phán quốc tế để tranh luận, tranh lý với Việt Nam về giá trị của công hàm này và rộng hơn là tranh luận đi đến phán xử, phán quyết về ai mới là người có chủ quyền thực sự ở Hoàng Sa, Trường Sa hay không?

"Vì lúc đó phía Việt Nam trong hồ sơ khởi kiện cũng phải chuẩn bị cho kỹ, riêng cá nhân tôi với tư cách chuyên gia, tôi đồng tình với nhiều quan điểm cho rằng công văn, công hàm Phạm Văn Đồng này không có giá trị pháp lý nào cả.

"Bởi vì căn cứ vào Hiệp định Geneva năm 1954 về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, chia đất nước Việt Nam thành hai miền, chính trong Hiệp định đó đã quy định rất rõ Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc phía Nam của vĩ tuyến 17, và như vậy trực thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa.

Đánh đổi chính trị?
Theo chuyên gia luật học này, công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 không có giá trị pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa và có thể được vô hiệu hóa, nhưng đánh đổi lại nhà nước Viện Nam hiện nay phải có sự đánh đổi chính trị, hay thay đổi về quan niệm và nhìn nhận lịch sử với một nhà nước đã bị đánh sập 45 năm trước ở miền Nam Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Giao nói tiếp:

"Thế thì từ trước đến nay, chính quyền ở Bắc Việt Nam và kể cả chính quyền Việt Nam bây giờ, trong các giới học thuật, đặc biệt học thuật về luật quốc tế, người ta vì những mục đích chính trị, cho nên người ta không chấp nhận Việt Nam Cộng Hòa như là một chủ thể độc lập của Công pháp Quốc tế.

"Và vì thế cho nên điều này cuối cùng xảy ra công hàm 'bất lợi', thì bây giờ nhà nước, chính phủ Việt Nam hiện nay mới bắt đầu nhận thấy một điều là nếu như mình phủ nhận sự tồn tại của một chính phủ, của một nhà nước chính danh, phù hợp pháp luật quốc tế, đó là Việt Nam Cộng Hòa, thì nó lại gây hại cho câu chuyện đấu tranh bảo vệ chủ quyền."

"Do vậy hiện nay, quan điểm chính thức của những người lãnh đạo Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chắc chắn không thể phủ nhận vai trò chính danh của nhà nước Việt Nam Cộng hòa, tức là miền Nam Việt Nam trước đây, trước 30/4/1975 và điều này chỉ có lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và nó làm vô hiệu hóa Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958.


Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng năm 1956

"Tất nhiên bên cạnh việc công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị ở chỗ là anh không thể công nhận cái gì mà anh không có được, thì ở đây còn một ý nữa đó là công hàm này, như nhiều chuyên gia đã nói, đó là ở cấp Thủ tướng, không phải ở cấp đại diện quốc gia là một nguyên thủ quốc gia và chưa được Quốc hội phê chuẩn.

"Bởi vì những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ quốc gia bao giờ cũng phải có sự phê chuẩn của Quốc hội, và vì thế cho nên về giá trị pháp lý của nó, thì nó cũng không có giá trị pháp lý ở chỗ đó nữa.

"Điểm thứ ba nữa là Công hàm Phạm Văn Đồng nó phản ánh như một động thái chính trị phe nhóm với nhau. Cùng là phe cộng sản, thời đó Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam để đánh Mỹ.

"Thế thì nó có thể hiểu như là một tuyên bố chính trị, một động thái chính trị giữa hai bên, chứ không thể coi nó có giá trị pháp lý gì hết."

Khó khăn pháp lý?

Hôm 23/4, trả lời câu hỏi của khán, thính giả gửi cho một chương trình bình luận trực tuyến của BBC News Tiếng Việt hỏi rằng công hàm Phạm Văn Đồng 1958 gây khó khăn pháp lý gì cho cuộc đấu tranh về chủ quyền quốc gia và biển đảo của Việt Nam hiện nay, từ Đại học George Mason, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia chính trị học và bang giao quốc tế nói:

"Thực sự thì Trung Quốc đang bám vào cái đó và bảo rằng ở Việt Nam đã công nhận những điều khoản của họ rồi.

"Nhưng ngược lại chúng ta thấy có một số sự kiện cho thấy là Việt Nam cũng tương đối thay đổi. Ngày xưa, khi ông Nguyễn Tấn Dũng còn làm Thủ tướng chính phủ Việt Nam, thì ông cũng đã nói rõ rằng vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa là dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

"Thường thường, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gọi đó là chính quyền 'ngụy quyền' và không có giá trị, thẩm quyền gì cả, nhưng bây giờ Việt Nam chứng nhận là có, như vậy có nghĩa là bảo rằng nếu là do Việt Nam Cộng hòa quản lý, thì công hàm Phạm Văn Đồng tự nó không có hiệu quả gì cả.

"Bởi vì theo quan niệm gọi là chuyển quyền từ chính phủ này sang chính phủ khác, thì chính phủ miền Bắc, khi lãnh thêm miền Nam vào miền Bắc, thì lãnh thêm cả những tiêu sản và tích sản, những quyền lợi và nghĩa vụ.

"Nếu theo quan điểm của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, thì miền Bắc chỉ thừa hưởng của miền Nam Cộng hòa, do đó họ không chịu trách nhiệm, bởi vì đã không có nghĩa vụ thì miền Bắc không có nghĩa vụ.

"Đặc biệt là bây giờ trong Liên Hợp quốc, chúng ta thấy có văn bản rõ rệt vào tháng Giêng năm 1974, thì xảy ra vụ đó, thì ông Ngoại trưởng của Việt Nam Cộng hòa là ông Vương Văn Bắc đã viết văn thư cho ông Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và yêu cầu đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an và Việt Nam Cộng hòa đã lên án Trung Quốc là xâm lấn Việt Nam.

"Thành ra những văn bản đó là những văn bản đã có ở trong Liên Hợp quốc rồi và theo luật pháp quốc tế thì nó cũng đúng.
"Cho nên đã có những động thái đó, còn bây giờ chúng ta chưa thấy tiếp tục từ hồi ông Nguyễn Tấn Dũng nói câu đó, thì sau này chúng ta chưa thấy gì cả."

'Không có nhượng chủ quyền'

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà nghiên cứu Trung Quốc học bình luận:

"Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ủng hộ vấn đề là xung quanh các nước, hay xung quanh các đảo thì được 12 hải lý, thế thôi, chứ không phải chấp nhận là Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa.

"Mà cũng giống như Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng vừa nói, vấn đề này không có động chạm gì đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam Cộng hòa ngày xưa.

"Ngoài ra, tôi cũng cho rằng việc này chỉ là một công thư của một Thủ tướng công nhận vấn đề ở trên biển, vấn đề 12 hải lý, thôi.

"Nhưng mà cái đó không được chính quyền Việt Nam, trong đó có Quốc hội, trong đó có Chủ tịch nước ủy quyền, do đó Trung Quốc không thể dùng công thư đó để nói rằng là Việt Nam đã nhường chủ quyền ở Hoàng Sa cho Trung Quốc."

Trong dịp này, theo dõi tình hình an ninh ở Biển Đông và khu vực, một số học giả, nhà quan sát đã chia sẻ ý kiến, bình luận của mình với BBC News Tiếng Việt.

Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt - Trung, nhà nghiên cứu chính trị học thuộc Đại học Bình Dương, nêu nhận định:

"Năm ngoái Trung Quốc đến Tư Chính chủ yếu là để cản trở Việt Nam ở mỏ Sao Vàng- Đại Nguyệt.

"Họ thất bại vì cuối cùng, Việt Nam vẫn hạ đặt được chân đến giàn khoan ở đây.

"Trong công bố nghiên cứu mới "Vấn đề Biển Đông: Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay", tôi có viết rằng điều quan trọng là mặc dù mọi cản trở từ phía Trung Quốc, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ ở khu vực này".

"Năm nay Việt Nam tiếp tục đặt giàn khoan ở đây, Trung Quốc cũng biết vậy nên sẽ quyết tâm phá.

"Bởi vậy, dự báo của tôi là tình hình sẽ căng thẳng và các hoạt động của Trung Quốc (gồm cả xâu chuỗi từ việc đâm chìm tàu cá cho đến các động thái khác) là đòn ra tay trước."

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52424973

Đăng nhận xét

0 Nhận xét