Chân dung nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn thời hậu chiến với đầy những giằng xé nội tâm, lòng khát khao yêu nước được dựng lại qua lời kể của nhà báo Nguyễn Đại Phượng.
Nhà báo Nguyễn Đại Phượng kể. Lan Anh ghi
Nhân ngày thống nhất đất nước 30/4, tôi muốn kể vài chi tiết về nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn. Trong cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm chúng ta có biết bao nhiêu anh hùng, bao nhiêu chiến sĩ tình báo vĩ đại. Nhưng ông Ẩn là một trong những nhà tình báo vĩ đại, gây ấn tượng nhiều nhất, và có thể nói hiện nay ông vẫn còn giữ nhiều bí mật mà Việt Nam và cả Mỹ vẫn đang tìm kiếm và giải mã. Ông là người cực kỳ hấp dẫn cho cả hai phía.
Cho đến nay đã có 5 cuốn sách viết về ông, trong đó, theo tôi, cuốn viết hay nhất, đưa ra nhiều hình ảnh, góc cạnh, phân tích được nhiều cá tính, đặc điểm con người Phạm Xuân Ẩn, chính là cuốn “Điệp viên hoàn hảo” của nhà sử học Mỹ Larry Berman.
Larry Berman hoàn thành cuốn sách năm 2007 và tôi may mắn có cơ duyên được mời dịch cuốn sách đấy. Lúc đó, tôi nghĩ là cuốn sách chỉ bán được vài nghìn cuốn là cùng nhưng không ngờ, theo chỗ tôi được biết, kể cả phần in chính thức lẫn phần in không chính thức, phải lên hơn 1 triệu bản. Dịp Tết 2007, VTV đánh giá cuốn sách là một sự kiện đặc biệt.
Sự giằng xé nội tâm sau cuộc chiến
Cuốn sách thành công vì nó vẽ chân dung Phạm Xuân Ẩn rất rõ nét, kể về cuộc đời người anh hùng tình báo huyền thoại, tuyệt vời. Ông là một người cộng sản, cho tới khi chết ông vẫn là một người cộng sản; ông là một nhà tình báo quân đội, tới khi chết ông vẫn là tình báo của quân đội.
Trong cuốn sách 484 trang mà tôi dịch ra tiếng Việt, cái hay nhất, theo tôi, chính là sự giằng xé trong nội tâm con người Phạm Xuân Ẩn sau giải phóng miền Nam. Lúc đó, ông cũng giống như một số cán bộ được đưa ra miền Bắc dự các lớp tập huấn của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức ở Hải Dương.
Ở đó, Phạm Xuân Ẩn được học rất nhiều về chủ nghĩa Marx – Lenin, lý luận chính trị, đường lối xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, và ông thường tranh luận lại với các đồng chí của mình.
Là một nhà báo được đào tạo ở Mỹ, ông có hiểu biết khác về nền chính trị thế giới và tình hình thế giới. Sau khi về nước, ông thường xuyên làm việc với sĩ quan cao cấp trong chính quyền Sài Gòn và các quan chức cao cấp Mỹ. Bạn của ông là các Tổng thống chính quyền Sài Gòn, Đại sứ Mỹ, các những nhà tư bản, các quan chức, sĩ quan của chính quyền Sài Gòn, những người Mỹ…
Tư duy của ông được hình thành trên nền tảng đó. Ông hiểu tình hình thế giới trong nhãn quan của một nhà trí thức, một nhà tình báo cộng sản sống trong môi trường tư bản. Vì thế, khi đi tập huấn, những điều ông được nghe, được học có một số điểm trái với tư duy và những hiểu biết của ông.
Ông tranh luận lại với các đồng chí mình về nhiều vấn đề, những cái hợp lý, không hợp lý trong lý luận về chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, các đồng nghiệp của ông phản bác ông. Ông kể lại với Giáo sư Larry Berman: “Họ nói tôi có cách nghĩ giống người Mĩ, họ bảo là đồng chí có tư duy khác lắm, phải chỉnh sửa lại tư duy của đồng chí đi!”.
Phạm Xuân Ẩn cho biết, ông cảm thấy dằn vặt, đau đớn, khổ sở vô cùng. Họ là những người đồng chí từng sẵn sàng hy sinh thân họ vì ông, sẵn sàng chết để bảo vệ những tài liệu bí mật ông gửi ra cho trung ương ngoài Hà Nội, những người mà ông sẵn sàng chết vì họ. Ông nói: “Nhưng hồi đó là chiến tranh, sao bây giờ hòa bình rồi mà sống với các đồng chí của mình khó thế”.
Niềm trăn trở khôn nguôi
Phạm Xuân Ẩn giỏi cả nghề báo và tình báo. Cho tới cuối đời ông, tôi cảm thấy là ông yêu nghề báo hơn là nghề tình báo, chất báo trong con người ông đậm hơn chất tình báo, chất tình báo được đưa đẩy bởi tinh thần yêu nước của ông, còn ông sinh ra là để làm báo chứ không phải để làm tình báo. Phạm Xuân Ẩn cũng thích nghề làm báo hơn là nghề tình báo, đó là một trong những điều rất thú vị trong con người ông.
Là nhà tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, như các đồng đội của mình, ông đã dành những tinh túy, sức lực cao nhất để giúp cho sự nghiệp giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước. Quan điểm của ông là bất cứ kẻ ngoại xâm nào, dù đó là Tàu, Pháp, Nhật trước kia, hay Mĩ sang xâm lăng Việt Nam thì đều phải bị quét sạch ra khỏi bờ cõi Việt Nam để mang lại độc lập, tự do cho Việt Nam. Đó là tư tưởng yêu nước cực kỳ vĩ đại.
Khi miền Nam đã được giải phóng, đất nước được thống nhất, Phạm Xuân Ẩn trong lòng vẫn chưa yên vì Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn coi nhau như kẻ thù. Phải mất đến 20 năm sau 1975 hai nước mới bình thường hóa quan hệ về ngoại giao.
Ông khát khao Việt Nam – Hoa Kỳ trở thành bạn vì hơn ai hết, ông là một trong những người được đào tạo sớm nhất ở Mỹ và ông vẫn biết ơn người Mỹ đã đào tạo nên ông, giúp hình thành nên nhân cách, con người ông.
Đến năm 2003, khi Khu trục hạm USS Vandegrift là con tàu quân sự đầu tiên của hải quân Mỹ cập cảng Sài Gòn sau chiến tranh Việt Nam, ông được mời lên con tàu. Hôm đó, vì một lý do cá nhân, ông bị con chim cảnh mổ vào mặt gây vết xước không thể dự tiệc trên tàu bèn cử con trai Phạm Xuân Hoàng Ân đi thay mặt. Việc một con tàu hải quân Mỹ cập cảng Sài Gòn lần đầu tiên sau năm 1975 mang tính biểu tượng cực lớn, cho thấy sự trở lại của tàu quân sự Mỹ không phải với tư cách tham chiến mà là một biểu tượng hòa bình, hai quốc gia bắt tay nhau và tiến tới bình thường hóa hoàn toàn.
Phạm Xuân Ẩn được mời lên con tàu trong sự kiện như thế thì ông cảm thấy hãnh diện vô cùng, ông cảm thấy ước mơ của ông đạt được, đó là Việt Nam- Hoa Kỳ đã chính thức không chỉ bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995 mà là bình thường hóa quan hệ quân sự, an ninh, quốc phòng.
Phạm Xuân Ẩn cảm thấy rằng, trong cuộc đời mình ông đã chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện trong quan hệ Việt – Mĩ, nhưng có sự kiện như trên, bây giờ ông chết cũng được rồi. Đó chính là nguyện ước của ông. Con người Phạm Xuân Ẩn là chủ nghĩa yêu nước cực kỳ nóng bỏng, nồng ấm và tha thiết.
Người bạn chung thủy
Phạm Xuân Ẩn là một con người đầy nhân cách, đầy tính nhân văn. Ông kết thân bằng hữu được với tất cả mọi người, không nhất thiết là cùng quan điểm chính trị, hay cùng chiến hào, không có ranh giới người cấp cao – thấp. Ông không phân biệt chức danh, vị trí trong nhà nước, chính quyền hay quân đội, cơ quan an ninh. Với Phạm Xuân Ẩn, trong tình bạn không có sự phân biệt sang hèn. Bạn là bạn.
Bất cứ người nào cũng có thể trở thành bạn của Phạm Xuân Ẩn. Bà Ba là liên lạc viên của ông thậm chí còn không biết viết vẫn là bạn rất thân thiết của Phạm Xuân Ẩn. Ông chơi được với hàng tướng tá, sĩ quan cao cấp, những người nắm giữ vị trí cao cấp trong chính quyền Sài Gòn và các quan chức Mỹ. Bạn của Phạm Xuẩn Ẩn có người không biết chữ, có người học vấn cao, người làm nghề báo, những người lĩnh vực khác, những đồng chí cộng sản của ông lẫn những con người tư tưởng thù địch chống lại tư tưởng cộng sản của ông đều có thể là bạn thân thiết. Một khi đã làm bạn của Phạm Xuân Ẩn thì Phạm Xuân Ẩn cực kỳ chân thành.
Nếu Phạm Xuân Ẩn không nói cho bạn biết điều gì thì đó chắc chắn là vì thông tin ấy không cần thiết phải nói, nhưng đã nói với bạn là phải thật, phải chân thành và chung thủy. Ông đã giữ được tinh thần ấy trong suốt cả mấy chục năm làm việc với tư cách là nhà tình báo hay nhà báo của tờ Time, Life Magazine, của hãng Reuters.
Phạm Xuân Ẩn cho rằng, tình bạn là phải chung thủy, phải chân thành, không có sự phân biệt ranh giới và đẳng cấp, không có phân biệt hệ tư tưởng. Ở phía cách mạng những người bạn rất thân thiết của ông là người chỉ huy trực tiếp cấp cao của ông là Tư Cang, người liên lạc cho ông là bà Ba dù không biết chữ.
Về phía đối phương, ông cũng là bạn của rất nhiều nhân vật trong chính quyền Sài Gòn. Câu chuyện Phạm Xuân Ẩn cứu bác sĩ Trần Kim Tuyến cho thấy ông sống rất chân thành và rất nhân văn với bạn.
Trần Kim Tuyến, một trùm mật vụ khét tiếng chống cộng của chính quyền Sài Gòn, nhưng lại là bạn của Phạm Xuân Ẩn theo nhiều nghĩa. Ông Tuyến từng giúp Phạm Xuân Ẩn sau khi ông Ẩn học xong nghề báo từ Mỹ trở về. Trần Kim Tuyến đã bố trí công ăn việc làm và giúp đỡ nhiều cho ông Ẩn trong công việc.
Trần Kim Tuyến là người được Pháp đào tạo cho nên giỏi tiếng Pháp chứ không giỏi tiếng Anh. Khi Mỹ triển khai các chiến lược quân sự ở miền Nam Việt Nam, lúc đó Trần Kim Tuyến là trùm mật vụ và có rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, nên Trần Kim Tuyến và các quan chức, sĩ quan cao cấp khác của Chính quyền Sài Gòn thường hay nhờ Phạm Xuân Ẩn đọc hộ, và tóm tắt lại. Nhờ đó Phạm Xuân Ẩn lấy được biết bao nhiêu tài liệu vô cùng quý giá mà không cần phải mở trộm két sắt của đối phương.
Một trong những tài liệu đó là tài liệu về chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Việt Nam. Đầu những năm 1960, khi Mỹ đưa chiến tranh đặc biệt vào Nam Việt Nam, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội bối rối tìm cách đối phó mà không hiểu gì về chiến tranh đặc biệt. Trung ương đã cử hai đoàn đại biểu quân sự sang Moskva và Bắc Kinh để hỏi bạn xem biết gì về chiến tranh đặc biệt không. Nhưng cả hai đoàn đều trở về với hai bàn tay trắng. Phạm Xuân Ẩn đã lấy được tài liệu về chiến tranh đặc biệt của Mỹ theo cách ấy và nhờ đó quân giải phóng tổ chức đánh thắng trận Ấp Bắc, làm phá sản chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Miền Nam.
Vào những ngày cuối của chế độ Sài Gòn, Trần Kim Tuyến bị kẹt lại vì nhiều lí do, trong đó có lí do ông ở lại để dàn xếp cho những người bạn của ông, những người mà ông chịu ơn, đi di tản. Vào phút chót chỉ còn một chuyến bay cuối cùng ở trụ sở CIA tại Sài Gòn.
Lúc đó, Phạm Xuân Ẩn cũng không biết kế hoạch di tản của Mỹ nên giúp Trần Kim Tuyến bằng cách lái xe hơi chở ông Tuyến đến tòa nhà Sứ quán Mỹ. Khi đến nơi thì không còn chuyến bay nào nữa. Do Phạm Xuân Ẩn được một số nhà báo nước ngoài chỉ cho biết, còn một máy bay cuối cùng để rời miền Nam Việt Nam ở trụ sở của CIA nên Phạm Xuân Ẩn lại lái xe chở Trần Kim Tuyến đến đó.
Đến nơi thì cánh cửa của tòa nhà cũng bắt đầu sập xuống. Phạm Xuân Ẩn đã cố gồng vai lên giữ cánh cửa và bằng mọi cách đẩy Trần Kim Tuyến kịp trườn mình qua cánh cửa chui vào. Hai người chỉ còn kịp chào nhau nhớ giữ liên lạc và Trần Kim Tuyến đã nói: “Phạm Xuân Ẩn, tôi không bao giờ quên ơn của anh”.
Vì hành động cứu Trần Kim Tuyến, một trùm mật vụ khét tiếng mà sau này Phạm Xuân Ẩn chịu rất nhiều rắc rối và chỉ trích từ các đồng chí của ông ở Hà Nội.
Khi trả lời phỏng vấn của Giáo sư Larry Berman, Phạm Xuân Ẩn đã giải thích vì sao ông cứu Trần Kim Tuyến.
“Sở dĩ tôi cứu Trần Kim Tuyến bởi vì tôi với ông ấy là bạn. Trần Kim Tuyến có thời bị thất sủng, theo đề nghị của tôi, Trần Kim Tuyến đã quyết định phóng thích khá nhiều tù chính trị, những đồng chí, đồng đội của tôi đã bị chế độ Sài Gòn cầm tù. Còn một điều nữa, khi Trần Kim Tuyến ra đi, vợ con ông ấy đã chạy trước sang Singapore. Vợ ông Tuyến là người Pháp, lúc đó đang mang bầu. Tôi đã từng là người cha, người chồng, nên hiểu tình cảnh của một đứa trẻ ra đời mà không biết mặt cha thì đau đớn biết chừng nào. Nếu Trần Kim Tuyến ở lại không thực hiện được cuộc di tản đó thì chắc chắn bị cầm tù và thậm chí chịu mức hình phạt cao nhất. Tôi không muốn cảnh đó xảy ra đối với một người bạn của mình”.
Phạm Xuân Ẩn đã kể lại cho Giáo sư Larry Berman rằng trong chuyến bay di tản cuối cùng đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn đã ngồi lên trước và thấy Trần Kim Tuyến là người cuối cùng chạy theo xách va li nhỏ, đã chìa tay kéo Trần Kim Tuyến lên. Trước đó, hai ông này cực kỳ ghét nhau và trong chuyến bay hai người ngồi cạnh nhau nhưng không ai nói với ai câu nào.
Sau mỗi cuộc phỏng vấn với Phạm Xuân Ẩn, Giáo sư Larry Berman tìm gặp và hỏi tất cả những người bạn của Phạm Xuân Ẩn, rằng Phạm Xuân Ẩn là điệp viên ở phía bên kia đấy, bạn có biết điều đó không và nghĩ như thế nào? Tất cả các câu trả lời, kể cả của Trần Kim Tuyến, nói chung đều là không biết nhưng không ghét bởi vì Phạm Xuân Ẩn là một người bạn tốt.
Sau này, khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt trước khi kết thúc nhiệm kì của mình xin được ghé qua nhà Phạm Xuân Ẩn để chào tạm biệt trước khi về Mỹ. Tất cả những người mà ông Phạm Xuân Ẩn đã có liên hệ đều yêu mến kính trọng ông vì ông không bao giờ phản bội họ, lừa dối họ, chỉ có những điều ông không nói ra thôi. Họ đều hiểu và trân trọng tất cả những gì mà Phạm Xuân Ẩn đã làm vì đất nước Việt Nam của ông.
Theo VIETNAMNET
0 Nhận xét