3g sáng, khi mọi người vẫn còn đượm giấc, những ngư phủ trên sông Hồng đã phải dậy để chuẩn bị đồ nghề cho một chuyến săn vờ vờ mà nhiều người vẫn quen gọi là tôm bay. Một chiếc thuyền lớn với đồ nghề chỉ là 2 tấm lưới căng ở đầu thuyền. Nhè nhẹ cảm nhận từng đợt sóng sông táp vào mạn thuyền, những ngư phủ người thì chiêu nhẹ ngụm nước chè, người châm điếu thuốc rồi kiên nhẫn ngồi chờ. Một chuyến săn vờ vờ bắt đầu...
Con vờ vờ - quán quân chết yểu
Với những đứa trẻ sông nước, sinh ra và lớn lên với miền quê, đặc biệt là gắn với dòng sông Hồng, những con vờ vờ đã trở thành quen thuộc. Tuy nhiên, với nhiều người, kể cả người Hà Nội cũng hiếm người biết đến loài côn trùng này. Vờ là một loại côn trùng có tuổi đời ngắn nhất. Đại đa số ấu trùng trở thành côn trùng thực thụ, chúng chỉ có thể sống được mấy giờ đồng hồ. Tuổi thọ dài nhất cũng không quá một tuần. Ấu trùng của con vờ sống trong nước, sau mấy lần lặn lội mới thành trùng. Vờ là loại sinh vật rất đặc biệt, mỗi năm chỉ sinh nở 1 lần, từ ấu trùng, lớn lên bằng con chuồn nhỏ, lột xác bay ra rồi không lâu sau đó sẽ chết, nổi trên mặt sông. Mỗi lần xuất hiện, vờ lại đẻ ấu trùng để rồi 1 năm sau thế hệ kế tiếp lại làm nhiệm vụ tương tự như một chu kỳ.
Cô Phạm Thị Ngà (Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) kể: “Vờ vờ to bằng độ con châu chấu, nhưng trắng muốt, mỏng manh. Vào những hôm sương mù, bọn trẻ xóm tôi đi học, chúng cứ men theo mép nước đến trường. Đường xa hơn đấy, nhưng bọn trẻ vẫn chọn con đường đó. Bởi chúng còn nghịch ngợm và xem vờ vờ. Trước đây, khoảng từ năm 2000 trở về trước, vờ vờ có rất nhiều nhưng bẵng đi một thời gian dài không thấy có, đến khoảng 3 năm trở lại đây thì lại có nhiều”.
Chị Trần Thị Minh Chiến (Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng) bồi hồi nhớ lại: “Ký ức tuổi thơ của tôi hình ảnh những con vờ nổi lập lờ trên mặt sông, có hình dáng như những con chuồn chuồn ớt có màu trắng. Chúng tới tấp bay ra, bay vào khi Vờ đến mùa giao duyên. Thân hình con vờ mềm, có hai cái râu trên đầu giống như châu chấu, vào mùa thu hoạch lúa. Phần cuối bụng mọc ra ba cái lông đuôi. Những cánh vờ rất mỏng manh, mỏng manh như vòng đời của chúng vậy".
Ngày nay, vờ đã không còn nhiều như trước kia. Lý do trực tiếp là bởi sự biến đổi khí hậu, sông Hồng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, dòng lưu ngày càng cạn kiệt tác động trực tiếp đến môi trường sống của muôn loại phù du khiến cho những con vờ ngày càng vắng bóng. Tuy nhiên, với những người sinh sống gắn với dòng sông Hồng, những con vờ vẫn là một món quà của tự nhiên mang tặng mỗi năm. Hình ảnh con vờ gắn với tuổi thơ của không ít người từ lúc còn là một cậu bé cho đến khi mái tóc đã điểm bạc. Con vờ chỉ thỏa sức tung bay trong “lễ hội tình yêu”, rồi chết trong khoảng mấy tiếng đồng hồ sau đó. Xác của những con vờ tưởng chỉ là loài côn trùng vô nghĩa. Nhưng với những cư dân ở đôi bờ sông Hồng, nó thật giá trị vô cùng. Bởi nó làm sống động trong lòng họ những ký ức tuổi thơ.
Mùa săn vờ trên sông Hồng
Nghe lời kể của những ngư phủ về loài vờ mà như đang nghe về một huyền thoại. Bởi lẽ, kể cả với người Hà Nội cũng không phải ai cũng biết và được thưởng thức món ăn dân dã này. Theo lời giới thiệu của một người quen, tác giả được theo chân một gia đình dân chài để khám phá về một buổi đi săn vờ ban đêm và tìm hiểu thêm về loài vật này.
3g sáng, khi mọi người vẫn còn đượm giấc, những ngư phủ trên sông Hồng đã phải dậy để chuẩn bị đồ nghề cho một chuyến săn vờ vờ mà nhiều người vẫn quen gọi là tôm bay. Một chiếc thuyền lớn với đồ nghề chỉ là 2 tấm lưới căng ở đầu thuyền. Chiếc thuyền săn nhẹ nhàng thả mình ở những tổ vờ giữa sông. Nhè nhẹ cảm nhận từng đợt sóng sông táp vào mạn thuyền, những ngư phủ người thì chiêu nhẹ ngụm nước chè, người châm điếu thuốc rồi kiên nhẫn ngồi chờ. Một chuyến săn vờ vờ bắt đầu.
Ông Trần Văn Nội (Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Con vờ từ xưa, cha ông đã gọi như thế, không biết tại sao nó có tên là con vờ. Nhiều người còn gọi là tôm bay. Người săn vờ phải đi từ sáng sớm và phải đúng thời gian thì vờ mới ra nhiều". Theo lời kể của các ngư phủ, ở Hà Nội hiện nay còn 2 tổ vờ lớn và ngon nhất là ở Ninh Sở (Thường Tín) và ở chân cầu Vĩnh Tuy. Quanh khu vực chân cầu Vĩnh Tuy hiện có khoảng hơn chục thuyền thường xuyên đánh bắt vờ. Loài vật này năm nào cũng có nhưng mỗi tháng chỉ có 1-2 lần để bắt vờ. Người đi bắt phải đi xem trước con nước và dự đoán việc vờ sẽ ra nhiều hay ít vào ngày hôm sau.
Anh Nguyễn Văn Thọ (Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng, Hà Nội) hồi tưởng: "Mỗi năm khi mùa vờ đến người dân làng chài chúng nô nức, hò reo nhau đi hớt vờ. Người lớn dùng cái sào dài từ từ khều, gạt những búi vờ đang nổi dập dềnh trên mặt nước vào rá của mình. Những đứa trẻ con thì khúc khích cười đùa, bì bõm lội và nhặt những con vờ nhỏ góp vào rá vờ của người lớn. Sau một ngày làm việc vất vả sản phẩm của người dân chúng tôi là những rá vờ đầy ắp, trắng muốt trở thành một món đặc sản trong văn hóa ẩm thực. Ngày vờ còn nhiều, có khi chúng tôi chỉ cần thắp một cái đèn lớn, quây lại bằng lưới là hôm sau có khi thu hoạch được cả yến vờ”.
Trước đây, khi còn đánh bắt thô sơ và vờ còn nhiều, người bắt chỉ cần dùng vợt, đứng vợt ở ngay bờ sông cũng kiếm được khối lượng lớn. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, để đánh bắt được hiệu quả hơn, các ngư phủ đã nghĩ cách chế ra bộ đánh bắt chuyên dụng gồm 2 tấm lưới cỡ lớn đặt ở phía trước mũi thuyền dùng cho săn bắt vờ.
"Trước đây, vờ lột xác rồi chết và trôi dạt vào bờ. Người dân vớt về làm món ăn vẫn ngon bởi vờ vừa mới chết. Xác lột của vờ được gọi là "lư". Khi đánh bắt, nhìn khối lượng tưởng là nhiều nhưng sau khi lọc sạch lư đi thì chỉ còn vài kg" – anh Thọ chia sẻ thêm.
Mùa săn bắt vờ bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, thời gian thực để có thể đánh bắt chỉ có thể kéo dài 2-3 tháng. Vờ ngon và béo nhất là khoảng thời gian 2 tuần tính từ giữa tháng 2 âm lịch. Từ đầu tháng 3 âm lịch là vờ bắt đầu gầy hơn do vào gần cuối vụ.
Vờ có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo như vờ xào rau muống non, vờ rang tỏi hay sốt cà chua. Nhưng với những ngư dân sống gắn mình với sông nước, vờ chỉ ngon nhất khi được om riềng mẻ cà chua cùng với cá ngạnh, cũng là một loài cá đặc sản của sông Hồng nhưng giờ đây cũng rất hiếm.
Ngày nay, vờ đã không còn nhiều như trước. Bởi lẽ, con vờ đã vượt ra khỏi phạm vi của những ngư phủ, được nhiều người sành ăn biết đến và tìm. Cũng bởi sự biến đổi khí hậu hiện vờ cũng dần trở thành những câu chuyện được truyền miệng nhau. Những giây phút thăng hoa ngắn ngủi của một kiếp phù sinh tích hợp nên những giá trị đặc sắc của sông Hồng khiến người Hà Nội luôn nhớ về ký ức tuổi thơ trong những ngày đi bắt vờ vờ dọc một triền sông.
Trước đây, vờ là món ăn dân dã chỉ truyền nhau trong những người dân chài. Giờ đây, vờ đã trở thành một món ăn đặc sản. Do sự quý hiếm, số lượng đánh bắt ít nên vờ hiện ít khi được bán ở chợ. Với những người sành ăn, họ thường đặt trước các ngư phủ để mua số lượng lớn. Nhiều khi đánh bắt được ít, ngư phủ thường để lại nhà ăn chứ không bán. Ở những đợt cao điểm, vờ có giá bán lên tới 500.000 đồng/kg, thậm chí có thể lên đến tiền triệu ở những lúc hiếm.
Một số hình về cuộc "săn" vờ mà PV ghi nhận:
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/mua-san-tom-bay-tren-song-hong-188328.html
0 Nhận xét