Những mất mát đau đớn của đồng bằng sông Cửu Long

(11/04/2020)- Sự phát triển nào cũng dẫn theo đánh đổi. Nhưng sự phát triển bây giờ đầy những hối tiếc, không bền vững và gần như không thể phục hồi khi ngày càng hiện rõ tác nhân con người đã thực hiện những hành vi nghịch thiên. Nhiều câu hỏi vẫn còn day dứt, đang chờ các quyết sách mới hơn.


Bài viết của tác giả Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Lần đầu từ Sài Gòn về đất Tây Đô, tôi ráng đếm xem mình phải qua bao nhiêu cây cầu lớn nhỏ. Nhưng đến Cai Lậy thì tôi bắt đầu bối rối, con số trở nên loạn xạ.

Do hoàn cảnh chiến tranh, tôi vào miền Nam rất sớm, đến nay cũng xấp xỉ nửa thế kỷ. Lần đầu tiên vào vùng châu thổ sông Cửu Long, ấn tượng tuổi thơ tôi là đi đâu cũng gặp nước. Từ Tây Đô, lúc đó mang tên tỉnh Phong Dinh, tôi có dịp theo sông, rạch về các nơi. Tôi ngỡ ngàng khi đứng bên bờ kinh xáng Xà No mênh mông nước, thầm nghĩ người Pháp sao đào được con kinh lớn, thẳng tắp như vậy. Rồi đi ghe xuôi ngược dòng sông Hậu, ghé cồn Phong Nẫm mua trái cây thiệt ngon, ngọt và rẻ. Xoài bán theo chục, không phải chục 10 trái là mỗi chục là 14 trái, thậm chí 16 trái. Ghé bến đò Kế Sách rồi qua cù lao Nhơn Mỹ, tôm cá ê hề, bán rẻ như cho. Người bán chẳng có cân lượng gì, cứ lấy rổ xúc ra, bán theo mớ.

Đi ngược dòng lên vùng Châu Đốc, thăm Bà chúa Xứ, thăm mộ cụ võ tướng Nguyễn Văn Thoại, nghe kể chuyện đào kinh Vĩnh Tế. Chiều về, ngồi xếp bằng trên bến thuyền ăn cơm với mắm ruột cá lóc kho tiêu, rau luộc tập tàng, dưới nước nghe cá vẫy bên be xuồng. Khi trời về đêm, trăng sáng loáng thoáng trên dòng nước, tôi mơ màng ngủ với tiếng hò văng vẳng đâu đó bên tai: “Hò ơ… Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc/ Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang/ Đói no em chịu cùng chàng/ Xuống sông ra biển, lên ngàn cũng theo…”.

Lúc ấy, bạn đi đường, thấy khát đều có thể ghé nhà nào đó uống nước trong cái khạp đầu ngõ một cách tự nhiên mà không cần xin phép gia chủ. Gặp chủ nhà đang ăn cơm, bạn có thể được mời vào ăn không hề khách sáo. Người có ruộng phía trong đều có thể điều đình chủ ruộng bên ngoài xẻ con mương dẫn nước từ sông rạch vào ruộng của mình mà không phải mua lại phần đất đào mương gì cả. Mùa gặt lúa, người nghèo có thể xin gặt mót lúa ruộng hay nuôi vịt chạy đàn vào từng ô ruộng ăn lúa, ăn ốc, ăn rau. Mùa nước nổi, họ có thể bắt cá bất cứ nơi nào trên đồng ruộng mênh mông với khái niệm “điền tư, ngư công”. Khái niệm chia sẻ nguồn nước từ lâu như một quy ước bất thành văn của miền này.

Khi đến mùa nước nổi, nước tràn trề phủ kín các cánh đồng, gần như không ai còn mua bán cá nữa. Ai cùng bắt cá dễ dàng, cá linh, cá lòng long, cá chốt,… nhiều vô số kể. Nông dân mùa nước nổi (lúc đó người ta không dùng từ mùa lũ) trở thành ngư dân. Tôi vô cùng bối rối với hàng chục tên ngư cụ và phương cách bắt cá thật lạ lùng. Người dân quê hiểu từng tính nết các loài thuỷ sản mới có những kiểu đóng đăng, chài lưới, giăng câu, đăng ven, rồi câu rê, câu cặm, đặt lờ, đặt dớn, đặt lọp, đẩy côn, chất chà, chụp đìa, tát mương, đắp tàu,…

Những năm tháng miền quê xưa thật thanh bình, tôi bắt đầu học cách phân biệt các phương ngữ dân gian của miền sông nước Cửu Long, nhiều lúc phải thật tinh tế mới tránh được lẫn lộn. Dường như không nơi nào khác ở Việt Nam, các tên gọi liên quan vùng đất ngập nước phong phú hơn ở đây: sông cái, rạch, kinh, mương, xẻo, ao, đìa, hào, bàu, lung, láng, đồng, vũng, bãi, đầm, gò, gành, ngọn, doi, vịnh, cồn, cù lao, hòn, đảo,…

Tùy tính nết, đặc điểm dòng nước, người ta có các tên gọi: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước cường, nước kém, nước nổi, nước lụt, nước trầm, nước bạc, nước son, nước đục, nước nhảy, nước chụp, nước đứng, nước ngược, nước xuôi, giáp nước, nhồi nước, xiết nước, rải nước,…

Tùy nguồn cung cấp và chất lượng nước thì có những từ: nước trời, nước mưa, nước sông, nước cây, nước ngầm, nước lung, nước đìa, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, nước phèn, nước than bùn,…

Dòng Cửu Long từ ngàn năm đã miệt mài mang từng hạt phù sa bồi đắp vùng đất này, xưa kia là xứ hoang vu nê địa, đầy chướng khí. Trên bờ thì cọp, rắn, dưới nước thì cá sấu, muỗi mòng, đỉa, đồng lụt mêng mông vào suốt mùa mưa, mùa khô nước mặn phèn chua. Ông cha chúng ta, những người tiên phương khai hoang mở đất, cứ bám theo bờ sông mà lập làng, nương theo sinh thái tự nhiên, con nước thuỷ triều mà tìm sinh kế phù hợp. Dần dần miền châu thổ trở nên trù phú, đông đúc. Sự thay đổi đặc điểm tổ chức hành chính, chính sách khai thác thiên nhiên và phân bố dân cư qua nhiều thời đại, thể chế làm bộ mặt vùng châu thổ dần biến đổi.

Với chính sách đẩy mạnh sản xuất lương thực, lúa gạo hơn ba thập kỷ qua, tính chất sông nước dần dần khác đi. Với mục tiêu chiến lược có thật nhiều lúa, những cánh đồng bị cắt vụn ra bằng những con kênh ngang dọc. Chữ nghĩa nôm na ngày trước cũng bị đổi theo các văn bản chẳng biết từ lúc nào. Kinh bị đổi thành kênh, mùa nước nổi thành mùa lũ, nước lớn – nước ròng thành triều lên – triều xuống. Vụ lúa mùa, vụ màu thì thành vụ Hè thu, vụ Đông xuân, vụ Xuân hè theo như miền Bắc mặc dầu ở miền đồng lụt Cửu Long này chỉ có duy nhất hai mùa mưa, nắng, chẳng có Xuân Hạ Thu Đông gì cả. Gọi cách này để tiện thống nhất trên cả nước, nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long, có những nơi lệch thời vụ do lệch nguồn nước cả ba tháng trời, vẫn bị gọi chung một tên.

Cái tiếc nuối hiện nay là những con sông, vùng lung đìa không còn như xưa. Nước sông ngày càng ô nhiễm do nông dân phải gia tăng sử dụng phân bón hoá học, nông dược trong canh tác và nuôi thuỷ sản. Nhiều nơi hệ thống đê đập, cống ngăn mặn, giữ ngọt đã chặn dòng chảy. Nhiều hệ sinh thái trở nên nghèo nàn, tôm cá dần ít đi, nước không chảy tự nhiên được trở nên ao tù, rác rến, độc chất tích tụ. Nông sản nhiều hơn nhưng đầy thuốc kích thích, hóa chất bảo quản. Con cá lóc đồng ít đi, thay bằng cá nuôi, mập béo hơn nhưng thịt vừa bở, vừa hôi. Về vùng sông nước, ruộng đồng thật buồn khi thấy người dân phải khoan lấy nước ngầm mà uống, trẻ con không còn biết bơi sông, nô đùa với các trò chơi đồng quê. Đi trên sông nước bây giờ, mấy ai trong giới thương hồ còn nhớ đến điệu hò đưa đẩy năm xưa? Nếu có hát hò thì đi đâu cùng thấy cái loa karaoke ầm ĩ tra tấn xóm làng. Tinh thần chia sẻ lợi ích nguồn nước ngày càng ít đi. Hàng hoá nông sản dù phong phú hơn, không còn mùa nào thức nấy như xưa kia mà cây trái hoa màu gần như hiện diện quanh năm. Lúa mùa, lúa nổi biến mất, nhường chỗ cho lúa thâm canh ngắn ngày trồng suốt ba vụ trong năm. Dưa hấu, thanh long không còn là những đặc sản mùa nắng mà cả mùa mưa người ta vẫn trồng. Bông điên điển mùa lũ vẫn có trong chợ mùa khô.

Mất mát nhất phải kể đến sự suy giảm chất lượng môi trường. Dòng nước trong lành trở nên khan hiếm, kế đến là biến dạng văn hoá, tập quán xưa kia. Người nông dân vùng châu thổ, nơi từng được khoác cho chiếc áo “bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia” và một phần thế giới vẫn thuộc nhóm nghèo, vẫn hoài nghi: trồng cây gì, nuôi con gì, mua bán ở đâu.

Sự phát triển nào cũng dẫn theo đánh đổi. Nhưng sự phát triển bây giờ đầy những hối tiếc, không bền vững và gần như không thể phục hồi khi ngày càng hiện rõ tác nhân con người đã thực hiện những hành vi nghịch thiên. Nhiều câu hỏi vẫn còn day dứt, đang chờ các quyết sách mới hơn.

Theo VnExpress

Đăng nhận xét

0 Nhận xét