Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến hoạt động quân sự toàn cầu?

(11/04/2020)- Đối với nhiều quốc gia, quân đội là công cụ đắc lực trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và đối phó với các cuộc khủng hoảng trên diện rộng. Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu COVID-19 đã cản trở các hoạt động quân sự cũng như những dự án phát triển năng lực quân sự tiên tiến.


Trong lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, các nước trên thế giới không chỉ đối phó với vấn đề sức khỏe cộng đồng và suy thoái kinh tế mà còn phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến lực lượng quân sự của mình. Cho dù quân đội không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì các biện pháp cách ly hiện đang được áp dụng vẫn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hoạt động quân sự. Có thể thấy quân đội ở các nước như Mỹ bị điều động ra chiến tuyến chống dịch COVID-19 ngày càng nhiều. Hậu quả đương nhiên là lực lượng này sẽ bộc lộ nhiều hạn chế về kỹ năng chiến đấu khi phải đối mặt với các lực lượng thù địch ở nước ngoài. Thậm chí những hạn chế này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển năng lực quân sự trong dài hạn.

Hạn chế tác chiến

Yêu cầu cách ly quân nhân và có thể là cả gia đình họ tại các căn cứ quân sự nhằm kiểm soát virus sẽ ảnh hưởng nhiều tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Điều này có thể thấy rõ trước tiên ở Hàn Quốc, nơi tình trạng lây nhiễm đã xảy ra ở một căn cứ của quân đội Mỹ. Cho dù dịch bệnh không lây lan trong lực lượng quân sự của một nước, thì chính các biện pháp giãn cách xã hội hay cách ly phòng ngừa cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới các hoạt động quân sự mà thường được tiến hành với sự tham gia của đông đảo quân nhân và thông qua hình thức giao tiếp trực tiếp. Tình trạng quân đội bị ảnh hưởng như vậy đã xảy ra ở Iraq, nơi mà Mỹ mới đây phải giảm bớt quân số đóng tại các căn cứ nhằm hạn chế sự lây nhiễm của dịch COVID-19 trong quân đội và cũng là nơi mà quân đội Anh và Hà Lan phải tạm ngừng các hoạt động huấn luyện với lực lượng quân sự Iraq vì những lý do tương tự. Quân đội Mỹ gần đây cũng phải hạn chế tham gia tập trận với châu Âu, vốn là hoạt động quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Âu trong vòng 25 năm trở lại đây.

Bên cạnh việc thực thi quy định cách ly, việc tham gia chống dịch cũng có nguy cơ khiến dịch COVID-19 bùng phát ngay trong lực lượng quân sự với những hệ quả hết sức phức tạp. Nếu dịch bùng phát trong quân đội thì không chỉ khả năng chủ động tác chiến bị tê liệt, mà ngay cả khả năng tiếp tục hỗ trợ chống dịch của các đơn vị nhiễm bệnh cũng sẽ bị hạn chế. Sự bùng phát dịch trên quy mô lớn cũng có thể dẫn tới yêu cầu phải có sự can thiệp y tế mà một số địa phương không thể đáp ứng – điều này đặc biệt khó khăn đối với những đơn vị được điều đến hỗ trợ ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Khi chính các quân nhân bị nhiễm bệnh và cần có người chăm sóc, điều trị, thì việc đảm bảo an ninh cho các đơn vị này sẽ trở nên bất khả thi hoặc chỉ khả thi ở mức độ hạn chế. Mặc dù các quân nhân ít có nguy cơ bị ốm và nhiễm bệnh bởi họ còn trẻ và được rèn luyện thể chất ở mức độ cao, nhưng khả năng có những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nghiêm trọng trong quân đội là điều hoàn toàn có thể xảy ra và cần phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Đối với một số hoạt động quân sự đặc thù như trong lực lượng hải quân, nỗ lực cách ly có thể dễ dàng hơn. Ví dụ, Italy có thể nhanh chóng cách ly 2 tàu hải quân của họ ngay sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu lan rộng. Chính Hải quân Mỹ mới đây cũng áp dụng biện pháp hạn chế cập cảng, đồng thời tự cách ly 14 ngày trước trước khi cập cảng. Với biện pháp tránh cập cảng nhiều lần và tự cách ly trên biển, nguy cơ hải quân nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài đã giảm đáng kể nhưng không hoàn toàn biến mất.

Tuy nhiên, nếu có ca nhiễm ngay trên tàu hải quân thì dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh như đã thấy trong trường hợp các tàu du lịch bị nhiễm virus trong thời gian vừa qua. Các trang thiết bị y tế trên tàu có thể không đủ để điều trị số bệnh nhân cần phải được can thiệp y tế khẩn cấp. Việc thiếu trang thiết bị y tế cũng là một thách thức trong vấn đề phối hợp xin trợ giúp từ bên ngoài hoặc sơ tán bệnh nhân. Việc đổi quân trên tàu cũng không đơn giản và chỉ có thể thực hiện sau khi đã tiến hành khử trùng diệt khuẩn, mà điều này lại khó khả thi trên biển, đặc biệt là đối với các tàu ngầm hạt nhân (những tàu này dù hoạt động tương đối biệt lập nhưng không thể được coi là hoàn toàn miễn nhiễm với các dịch bệnh bùng phát). Các tàu một khi đã nhiễm dịch thì không thể vận hành bình thường. Do đó, khả năng tác chiến của hải quân trong một số trường hợp sẽ bị hạn chế đáng kể.

Tình trạng mất khả năng tác chiến như vậy cũng có thể xảy ra ở các đơn vị quân sự đặc chủng. Ngoài các đơn vị quân y, các đơn vị phi công chiến đấu, đặc nhiệm, kỹ thuật quân sự và cả các công ty thuộc quân đội cũng không miễn nhiễm trước dịch bệnh và cùng phải bị cách ly nếu cần. Tuy nhiên, việc các đơn vị này mất khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ đương nhiên sẽ tác động trực tiếp đến quân đội Mỹ và đồng minh, nhất là trong thời gian ngắn hạn trước mắt. Những lực lượng này có vai trò thiết yếu không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ hiện đang dẫn dắt mà còn trong việc giải quyết chiến sự ở nhiều điểm nóng trên thế giới như Triều Tiên, Iran, Syria và các khu vực gần biên giới Nga.

Đại dịch COVID-19 hiện đang lây lan ra toàn cầu theo từng khu vực, bắt đầu là các nước gần Trung Quốc (tâm dịch ban đầu) nhất. Triều Tiên đã bắt đầu tập trận trở lại vào tháng 3, sau hai tháng án binh bất động vì phải đối phó với nguy cơ nhiễm bệnh. Trong khi đó, Mỹ giờ đây mới bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa trên diện rộng (yêu cầu người dân ở nhà). Sự khác biệt về múi giờ và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh (Trung Quốc đã vượt qua được đỉnh dịch trong khi Mỹ sắp phải đối phó với đỉnh dịch) có thể mở ra cơ hội cho một số nước nổi lên ở khu vực. Nếu khả năng tác chiến quân sự của Mỹ bị hạn chế đáng kể, cho dù chỉ ở một lĩnh vực nhất định, thì những toan tính của các nhà lãnh đạo cũng sẽ khó có thể được thực hiện một cách hoàn hảo vì thiếu nguồn lực để thực thi hoặc vì những hậu quả khó lường xảy ra do quân đội bị nhiễm bệnh trên quy mô lớn.

Những rủi ro ngoài chiến tranh

Tuy nhiên, những tác động tiềm tàng của đại dịch COVID-19 sẽ không chỉ giới hạn ở các đơn vị quân sự đang hoạt động. Ở những nước hiện phải tăng cường khả năng ứng phó nhanh trước sự lây lan của dịch bệnh cũng như hậu quả của nó, lực lượng quân sự được huy động để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng và thực thi các biện pháp cách ly ngày càng đông.

Chẳng hạn, các nước Ý, Đức và Pháp đã bắt đầu huy động lực lượng quân sự vào việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, vận chuyển người nhiễm bệnh và thực hiện nhiều công tác chống dịch khác. Và khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn, các đơn vị chủ lực sẽ không còn sức để thực thi nhiệm vụ quốc phòng và các nhiệm vụ khác. Tuy vậy, điều này không hẳn sẽ làm thay đổi cán cân quân sự giữa các nước bởi tình hình dịch COVID-19 hiện tại cũng chưa tới mức phá hủy sức mạnh quân sự của bất kỳ nước nào. Ví dụ, Nga hiện đã phải ngừng tập trận ở các vùng biên giới vì e ngại quân lính sẽ nhiễm virus, cho dù số ca nhiễm virus ở Nga hiện vẫn ít hơn nhiều so với các nước NATO khác.

Ngoài việc khả năng sẵn sàng chiến đấu và duy trì cán cân sức mạnh với các nước khác của quân đội Mỹ có thể bị ảnh hưởng, các chiến dịch chống khủng bố cũng có nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng. Do đặc thù công việc, các lực lượng quân sự này sẽ không phải gánh thêm những nhiệm vụ và trách nhiệm khác trong thời gian tập trung dập dịch. Khi quân đội buộc phải hủy tập trận hoặc huấn luyện do được huy động vào việc dập dịch, khả năng họ được điều sang hỗ trợ các lĩnh vực khác hầu như là không có. Cho dù năng lực quân sự của họ không phải là vấn đề đáng lo ngại, thì việc điều chuyển một lực lượng quân sự ra nước ngoài và đưa một lực lượng quân sự khác về nước sẽ có nguy cơ đẩy nhanh tốc độ lây lan dịch bệnh. Cuộc khủng hoảng Ebola ở châu Phi giai đoạn 2014-2016 là một ví dụ điển hình. Ở thời điểm đó, người ta không thể điều chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ra vào vùng dịch bởi lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan.

Hậu quả lâu dài

Hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra cũng sẽ ảnh hưởng tới ngành quốc phòng và ngân sách quốc phòng trong dài hạn, kể cả sau khi dịch kết thúc. Đặc biệt, lực lượng phòng không cho dù không liên quan chặt chẽ tới ngành hàng không dân dụng cũng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do những thiệt hại nói chung của ngành hàng không thế giới gây nên. Nhiều lĩnh vực khác trong ngành quốc phòng cũng sẽ bị ảnh hưởng do quy định giãn cách xã hội cản trở việc đi lại, hợp tác và thử nghiệm những tính năng mới trong ngành. Chính điều này sẽ khiến nhiều dự án đang được thực hiện bị dừng lại giữa chừng hoặc bị chậm so với kế hoạch đã định. Ví dụ, Không quân Mỹ đã phải dời lịch thử nghiệm Hệ thống quản lý tác chiến tiên tiến của họ từ tháng 4 sang tháng 6 năm nay do dịch COVID-19.

Các nhà máy đóng tàu hải quân ở các nước như Ý và Canada cũng bị đóng cửa tạm thời, và như vậy sẽ chậm giao hàng theo đơn đặt cũng như không thể hoàn thành các đơn hàng bảo dưỡng tàu trong thời gian đại dịch diễn ra.

Những rủi ro về tài chính do các hoạt động trên tạm thời bị gián đoạn sẽ còn lớn hơn ở các nền kinh tế phải tập trung nguồn lực để khống chế dịch bệnh và do đó không thể chi nhiều cho công tác quốc phòng. Đương nhiên điều này không có nghĩa là ngân sách quốc phòng sẽ ít đi bởi mỗi nước có mức độ ưu tiên riêng cho từng lĩnh vực, nhưng không thể loại trừ khả năng kịch bản này xảy ra.

Ngân sách bị hạn chế cũng sẽ dẫn tới việc các nước buộc phải dịch chuyển các nguồn lực của mình và thúc đẩy các kế hoạch giảm bớt hoặc rút toàn bộ lực lượng quân sự đang đồn trú ở nước ngoài về nước.

Xét tới những ảnh hưởng dài hạn đối với việc phát triển năng lực quân sự (chẳng hạn như khi ngân sách dành cho quốc phòng giảm hay các dự án phát triển quân sự bị tạm dừng) và việc các đơn vị bị tạm ngừng hoạt động, có thể nói những đại dịch như COVID-19 đủ khả năng gây rủi ro cho tất cả các hoạt động trên toàn thế giới, thậm chí có thể khiến một số lực lượng quân sự bị tê liệt hoàn toàn.

Do đặc thù công việc là thực thi các chính sách an ninh trong và ngoài nước cũng như trực tiếp hỗ trợ các hoạt động nhân đạo nên lực lượng quân sự chính là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Đăng nhận xét

0 Nhận xét