Trung Quốc mưu độc chiếm Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng xa hơn

Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc từ bỏ tham vọng và các động thái để từng bước chiếm lĩnh Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng ra Thái Bình Dương, lấn chiếm xa hơn ở Ấn Độ Dương – nơi đang bị Trung Quốc bủa vây bằng đại dự án Một Vành đai, Một Con đường.



Tại Đối thoại Shangri-la đầu tháng 6 vừa qua, trả lời một quan chức quốc phòng Trung Quốc (TQ) về việc hai tàu chiến của Mỹ tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng 5/2018 để thách thức các tuyên bố chủ quyền của TQ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: “Chúng tôi không tiến hành tuần tra tự do hàng hải cho riêng nước Mỹ… Đó là tự do cho tất cả các quốc gia lớn lẫn nhỏ thực hiện qua lại ở các vùng biển phục vụ cho sự thịnh vượng của họ, và họ có đủ lý do để làm điều ấy”.

Dù vậy theo đánh giá của bà Bonnie Glaser và ông Gregory Poling, hai chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, các tuyên bố từ phía Mỹ như Bộ trưởng Mattis đưa ra, và việc Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông không ngăn được TQ tiếp tục các hành vi đe dọa tự do hàng hải của khu vực, đặc biệt là của các nước láng giềng.

“Hành vi này của TQ gây tổn thất kinh tế đối với các nước đang phát triển trong khu vực, và rộng hơn là đe dọa luật pháp quốc tế và lợi ích của Mỹ trong việc duy trì một trật tự dựa trên các nguyên tắc”, hai chuyên gia viết trên tạp chí Foreign Affairs hôm 5/6 vừa qua.


Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar phi pháp trên đá Chữ Thập. Ảnh: AMTI/ Thanh niên

Trung Quốc sẽ tiếp tục từng bước lấn tới

Cả TQ và Mỹ đều hiểu rằng đây là giai đoạn mà cả hai quốc gia đều không muốn bày tỏ bất kỳ sự nhượng bộ nào. Trung Quốc kể từ tháng 7 năm ngoái đã liên tục gây căng thẳng ở Biển Đông. Từ việc cưỡng ép, đe dọa một số dự án dầu khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, đến việc đặt vũ khí hạng nặng bao gồm tên lửa, máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng, radar, tập trận, v.v... ở các thực thể nhân tạo chiếm đóng trái phép ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa.

Trong khi đó, Philippines cũng bị TQ chèn ép khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hà Lan về vụ Philippines kiện TQ vào năm 2016 cho đến nay không cho thấy nhiều tác dụng về mặt chiến lược. Không những thế, Manila đã phải thỏa thuận với TQ để tiến hành khai thác chung nguồn tài nguyên mà theo phán quyết của Tòa Trọng tài, có thể hiểu không thuộc về TQ.

Một cách vô lý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng vào giữa tháng 5 vừa qua tuyên bố: “Tôi muốn nhắc lại rằng không một quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào, khi không có sự cho phép của Chính phủ TQ, có thể thực hiện các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền của TQ. Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng nghiêm túc quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ, không làm bất kì điều gì có thể tác động đến các mối quan hệ song phương và hòa bình, ổn định khu vực”.

Các tuyên bố này luôn đi đôi với các hoạt động vũ trang có tính toán của TQ nhằm vừa răn đe bằng lời nói, vừa lấn tới trên thực địa, đặc biệt là khi cán cân quyền lực tại khu vực đang ưu thế về phía TQ. Bên cạnh đó, nhân tố Tập Cận Bình rất quan trọng. “Chiến thắng lịch sử” tại Đại hội Đảng 19 cho phép ông Tập có thêm nhiều thời gian để củng cố chiến lược mang màu sắc cá nhân của mình, đó là phát triển lực lượng quân đội hùng mạnh để theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và khẳng định vị thế của TQ trên trường quốc tế.

Hơn ai hết trong những người tiền nhiệm, “chủ nghĩa xét lại” ít nhất tại khu vực Châu Á đang là ưu tiên của ông Tập. Bắc Kinh nuôi tham vọng thiết lập lại cấu trúc an ninh khu vực hiện hành; tái định hình các thể chế an ninh, chính trị khu vực hiện tại; xét lại các quy tắc và chuẩn mực đang điều chỉnh các mối quan hệ khu vực; và khao khát đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chương trình nghị sự khu vực. Nói nôm na, cái gọi là “thượng tôn pháp luật” hay tuân theo luật chơi chung của quốc tế đang bị TQ nỗ lực xóa bỏ, nhằm thay thế và củng cố một luật chơi mới do TQ đề ra và tất cả các bên, kể cả Mỹ và các cường quốc trong, ngoài khu vực dù muốn hay không đều phải tuân thủ.

Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy TQ từ bỏ tham vọng và các động thái “tằm ăn lá dâu” (tằm thực) để từng bước chiếm lĩnh Biển Đông, làm bàn đạp bành trướng ra khu vực Thái Bình Dương, lấn chiếm xa hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – nơi đang bị TQ bủa vây bằng đại dự án Một Vành đai, Một Con đường. Bất kỳ một sự “suy xét lại” hay tỏ ra chùn bước cũng sẽ khiến chủ nghĩa dân tộc của TQ hoài nghi về tư thế vững chắc của Bắc Kinh trước Washington và phương Tây.

Theo Vietnamnet

Đăng nhận xét

0 Nhận xét