Nghe:
Đối đầu giữa các tàu Việt Nam và Trung Quốc lại xảy ra ở Biển Đông. Chiếc tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8 với “sự hộ tống” của các tàu hải cảnh Trung Quốc trong 12 ngày đã thực hiện cuộc khảo sát địa chất tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở vùng biển phía tây đảo Trường Sa.
Để phản ứng lại hành động của Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương 8), Việt Nam đã cử 9 tàu cảnh sát biển đi theo sát tàu Trung Quốc. Ngoài ra, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã điều động “một cách thức đe dọa” đối với các tàu thuyền Việt Nam phục vụ giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật do công ty Rosneft của Nga thuê khoan ở lô 06.1.
Người Việt Nam một lần nữa thể hiện kỹ năng duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các cường quốc (Ảnh: TTXVN)
Phản ứng của dư luận quốc tế
Cơ quan ngoại giao của cả Việt Nam và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về vụ việc này. Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Hà Nội tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc "và không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình".
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đưa ra đánh giá của họ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng, việc Trung Quốc "có hành vi gây hấn lặp đi lặp lại nhằm vào các cơ sở dầu khí ngoài khơi của nước tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông là sự đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng tự do và cởi mở ở Ấn Độ-Thái Bình Dương". Bà Ortagus kêu gọi Trung Quốc kiềm chế để không thực hiện những hoạt động khiêu khích và gây bất ổn.
Chính sách khôn ngoan của Ban Lãnh đạo Việt Nam
Các phương tiện truyền thông nước ngoài đều ghi nhận rằng, Việt Nam thể hiện sự kiềm chế khác thường khi đối phó với cuộc đối đầu này và nhắc nhở về những sự kiện bi thảm năm 2014 khi Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam.
“Đây là một sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam, - chuyên viên Dmitry Mosyakov lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Nghiên cứu phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nhận xét. - Việt Nam hiểu rằng, những lời phát biểu chống Trung Quốc sẽ tiếp tay cho Hoa Kỳ, mà Washington coi Hà Nội là đồng minh chính của họ chống lại Trung Quốc ở Đông Nam Á. Người Mỹ muốn cho mọi người thấy: hãy xem, Trung Quốc lại vi phạm, lại khiêu khích.
Nhưng Việt Nam không muốn xung đột với Trung Quốc - đối tác thương mại chính của họ. Hà Nội cũng hiểu rằng, cuộc xung đột như vậy sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ Nga-Trung. Bây giờ lợi ích quốc gia của Việt Nam là không phá hỏng quan hệ với Trung Quốc, với Nga và không hoàn toàn chạy theo Mỹ.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam không muốn thổi phồng một vụ bê bối quốc tế, mà chủ trương giải quyết xung đột ở cấp đảng, trong các cuộc đàm phán khép kín và nửa kín, để giải thích với Trung Quốc về những hành vi sai trái của họ, điều này sẽ hiệu quả hơn nhiều. Trong tình hình hiện nay, khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đang gia tăng, Trung Quốc cần đến các đồng minh, cần đến sự hỗ trợ chứ không phải sự đối đầu. Bây giờ trong ban lãnh đạo Việt Nam các lực lượng thân Việt Nam chứ không phải thân Mỹ hoặc thân Trung Quốc đang giành phần thắng”.
Người Việt Nam một lần nữa thể hiện kỹ năng duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các cường quốc, hành động rất khôn ngoan trong quá trình giải quyết xung đột chính trị phức tạp, chuyên gia Nga kết luận./.
Theo Sputnik/VOV
0 Nhận xét