Các quan chức quân sự Mỹ đi đến kết luận như vậy sau một thời gian tìm hiểu nguyên nhân của vụ bùng phát dịch bệnh khiến tàu sân bay Theodore Roosevelt phải ngừng hoạt động ở châu Á, chuyển hướng về cảng ở đảo Guam (Mỹ) – nơi hàng trăm thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có cả cựu chỉ huy tàu, đang bị cách ly. Đây là ổ dịch lớn nhất tấn công quân nhân Mỹ.
Hơn 600 người trên tàu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2 (virus gây dịch bệnh COVID-19) và một thượng sĩ 41 tuổi đã tử vong. Một số người đang được điều trị trong bệnh viện.
Ổ dịch tàu sân bay Theodore Roosevelt cũng khiến lực lượng Hải quân Mỹ phải cải tổ lại nhân sự. Hạm trưởng Brett Crozier bị miễn nhiệm chức vụ chỉ huy tàu sân bay sau khi viết thư và phân phát một bản ghi nhớ về tình hình COVID-19 trên tàu. Sau đó, quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly (người quyết định sa thải hạm trưởng Crozier) từ chức sau khi chỉ trích ông Crozier một cách nặng nề.
Việc tình nghi dịch bệnh bùng phát trên tàu sân bay bắt nguồn từ các chuyến đi của các thành viên tổ lái (phi công lái máy bay trên tàu) khiến người ta lo ngại rằng, việc hải quân Mỹ quyết định không cho tàu cập cảng, đi thăm các nơi là không đủ để chặn đà lây nhiễm coronavirus mới. Hoạt động bình thường của tàu sân bay, trong đó có các máy bay cất và hạ cánh, cũng có vai trò trong việc lây nhiễm virus.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mang đến Đà Nẵng hàng chục chiếc đấu cơ hợp thành một trong những không đoàn tàu sân bay hiện đại bậc nhất thế giới. Ảnh: Nguyễn Thành.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng từ ngày 4-9/3 (giờ Mỹ). Sau khi rời Việt Nam hơn 2 tuần, các thủy thủ trên tàu bắt đầu có triệu chứng và sau đó xét nghiệm cho thấy họ dương tính với SARS-Cov-2.
Các quan chức quân sự Mỹ nói rằng, tất cả gần 5.500 người trên tàu sân bay không ai nhiễm virus cho đến ngày 24 hoặc 25/3. Nói cách khác, hơn 2 tuần sau khi tàu rời cảng Đà Nẵng, thành viên đầu tiên của thủy thủ đoàn mới mắc bệnh.
Do giai đoạn ủ bệnh kéo dài 14 ngày, nên giới chức quân đội Mỹ loại bỏ khả năng việc thăm cảng là nguồn bệnh, các quan chức nói.
Một số quan chức quân sự Mỹ nói rằng, nhiều khả năng các chuyến bay do các phi đội trên tàu sân bay thực hiện, trong đó có chuyến bay chở hàng giữa tàu và Philippines, Nhật Bản… là nguồn khởi phát COVID-19.
Các tàu sân bay Mỹ thường có vài chục máy bay trên boong, cùng với tổ bay, phi công – những người tham gia các hoạt động không vận.
Những ca mắc COVID-19 đầu tiên trên tàu sân bay Theodore Roosevelt là thành viên của đội bay trên tàu, các quan chức quân sự nói.
Các quan chức Mỹ (những người tham gia chuyến thăm của tàu sân bay tới Đà Nẵng) nói rằng, giới chức Việt Nam thời điểm đó đã rất cẩn thận phòng chống COVID-19, thường xuyên đo thân nhiệt người ra vào, theo dõi các ổ dịch ở phòng tránh…
Ngoài ra, thành viên thủy thủ đoàn tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (đi cùng tàu sân bay Theodore Roosevelt) cũng lên bờ tham gia các hoạt động, nhưng ai mắc bệnh, đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói với các phóng viên hôm thứ Ba.
Lãnh đạo hải quân Mỹ đang xem xét số phận của hạm trưởng Crozier. Nhiều quan chức đang trông chờ ông sẽ được phục chức chỉ huy tàu sân bay Theodore Roosevelt trong những ngày tới.
Theo Tiền Phong
0 Nhận xét