Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước


Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám, chữa bệnh là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở đặc biệt quan trọng và cần thiết

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám, chữa bệnh là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài. Vì thế, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cần nhanh chóng chuẩn bị đủ các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là máy thở, sẵn sàng các phương án ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất.

Miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất máy thở

Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ số lượng các loại máy thở đang sử dụng và dự trữ, đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới.


Các trang thiết bị y tế từ Chương trình “Cùng Tuổi trẻ chống dịch COVID -19” được vận chuyển đến Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ công tác phòng, chống dịch

Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, khẩn trương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 6/4.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm định, đánh giá thử nghiệm máy thở sản xuất trong nước để có thể đưa ra sử dụng kịp thời, góp phần vào việc phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẵn sàng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực sử dụng, vận hành máy thở; chủ động phương án cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng thay thế trong quá trình sử dụng máy thở bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Vingroup sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt để kịp thời phục vụ chống dịch Covid-19

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã chính thức bắt tay vào sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt. Vingroup đã ký kết hợp đồng bản quyền với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

Theo Vingroup, các đơn vị được giao trọng trách chủ lực là Viện nghiên cứu – thiết kế Ô tô 1, Viện nghiên cứu – thiết kế Ô tô 2, Viện nghiên cứu Thiết bị Di động, Viện nghiên cứu – thiết kế Thiết bị Gia đình Thông minh, Viện nghiên cứu thiết kế Thiết bị Viễn thông, Viện nghiên cứu thiết kế Pin Thông minh, Nhà máy sản xuất Ô tô VinFast và Nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử VinSmart, tất cả các Cán bộ Lãnh đạo Tập Đoàn và các ban phòng chuyên môn có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và được yêu cầu làm việc trực tiếp điện thoại 24/24.

Việc cung ứng được chia thành 2 nhóm: các linh kiện có thể mua được trên thị trường và các linh kiện Vingroup phải tự chế tạo, hoặc hợp tác/hỗ trợ các đối tác chế tạo do công suất sản xuất của họ đã hết.


Vingroup bắt tay vào sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt.

Dự kiến các lô linh kiện của máy thở không xâm nhập đầu tiên sẽ về đến nhà máy sau 2 tuần nữa và sau 4 tuần sẽ có các lô linh kiện của máy thở xâm nhập. Một ngày sau khi đủ linh kiện VinFast sẽ cho xuất xưởng các loại máy thở để chuyển Bộ Y Tế, Bộ Khoa học công nghệ thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở Y tế trên toàn quốc.

Các máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn nhiều lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các máy thở không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy xâm nhập là 160 triệu đồng.

Được biết, các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng.

Dự kiến tập đoàn này sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y Tế Việt Nam với đúng giá thành linh kiện, và không tính tất cả các chi phí vận chuyển, thuế các loại, chi phí nhân công, sản xuất vào giá thành. Trước mắt, Vingroup sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét