Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi vĩnh viễn tất cả chúng ta

Rồi đây, khi vượt qua dịch COVID-19 hay phải chung sống với nạn dịch này, mỗi người trong chúng ta dù địa vị, tuổi tác, trình độ, giới tính, màu da, dân tộc có thể khác nhau nhưng chắc sẽ chung một suy nghĩ, đánh giá, thậm chí đến nhận thức rằng: COVID-19 làm THAY ĐỔI tất cả.


Khác với những gì trước đó, có những thứ sẽ mất đi, nhưng có những điều sẽ sinh ra trong và sau dịch, để cân đong sự được mất là khó, càng không khả thi khi lượng hóa những biến chuyển này. Khi diễn biến dịch còn phức tạp, những đánh giá, dự báo thay vì hàng năm, hàng tháng, thì có đến hàng ngày, hàng giờ.

Do vậy, nói gì, viết gì cho thời gian tới, có thể còn sớm, nhưng biên lại những gì đang diễn ra từ trạng thái tâm lý của người trong cuộc lúc này cũng chính là cách ta suy nghĩ về nó – về thứ đang làm thay đổi thế giới.

Những con số ca bệnh mới, số người chết, số người được chữa khỏi, tâm dịch, khu vực cách ly, Fo, F1, F2, dương tính, âm tính… không chỉ là những thống kê đơn thuần của ngành y tế, chính quyền, được cập nhật, còn là thông tin quan tâm đến độ từ người bán rau, bán hoa, bác đạp xích lô, chị nhặt ve chai… đến những người chủ doanh nghiệp, từ những công nhân cặm cụi, miệt mài trong các dây chuyền sản xuất tưởng chỉ biết đưa cái này vào, lấy cái kia ra… đến các công chức bàn giấy đều thạo tin về COVID-19.

Toang rồi… cư dân mạng bất kể ngày đêm tương tác với nhau, thật, giả lẫn lộn, bình luận, trạng thái, chia sẻ, bày tỏ thái độ về nhân vật, diễn biến dịch…hầu hết như những người chứng kiến tận mắt, đến tận nơi.

Sang trang mới, đúng là sang trang mới với học sinh và không chỉ là học sinh còn là giáo viên, nhà trường, phương pháp dạy học, cách thức học, còn là gia đình với môi trường tưởng chừng như trên giấy nay đã thành thực tế gia đình chính là trường học. Từ tin nghỉ học tuần này, nghỉ học đến tuần sau, đến lúc ít quan tâm đến ngày nào đến trường mà bao giờ kết thúc năm học, thi kiểu gì… như là bài toán mà đáp số đang còn nhiều nghiệm.

Với lúc đầu khi dịch đến tưởng chừng những ngành du lịch, dịch vụ, hàng không… bị ảnh hưởng trực tiếp, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn kiến nghị các chính sách tháo gỡ khó khăn giảm, miễn, giãn thuế… các gói hỗ trợ tưởng chừng dành cho ngành mình. Đến nay, hình như sự quan tâm lại từ những điều hết sức bình dị, đời thường như người hướng dẫn viên mai chưa biết làm gì, bác bán vé số chiều nay sẽ ăn gì, anh chạy xe ôm tối nay sẽ ngủ ở đâu,… những mảnh đời, cảnh đời thời COVID-19, sự khó khăn dường như đang đi vào và đi ra từ chính những ngõ, hẻm.

Tâm lý xã hội ngờ vực, hoang mang, tự tin, hi vọng, với diễn biến xúc cảm phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19.

Những cử chỉ gần gũi thân thương, giao tiếp đã có từ ngàn đời, gấm vào máu, như là thành trì tưởng chừng chỉ có thể chia cắt bởi cái chết như cái ôm, nụ hôn, cái bắt tay đến nay đã chuyển thành những ánh mắt thay điều muốn nói, giãn cách xã hội, giữ khoảng cách 2 mét như một đơn vị tính hữu hình mà vô hình, không chỉ là mệnh lệnh hành chính, có những lúc nó xuất hiện như là bản năng. Liệu COVID-19 có thể hình thành một phương thức giao tiếp mới hay hơn nữa là văn hóa giao tiếp mới hay không ? chưa có câu trả lời chắc chắn, phải chăng phụ thuộc vào thời gian dịch?

Đến cả số phận, nghi thức thiêng liêng của mỗi con người thường chỉ được một lần là sự sinh ra, hôn nhân, cái chết, nay thời COVID-19 đều khác. Chưa bao giờ sự chứng kiến thời khắc thiêng liêng đó của mỗi đời người lại thay đổi đến như thế. Thay vì sự loan báo, chia sẻ đến nhiều người bằng phương thức trực tiếp có từ lâu đời hàng ngàn năm và lâu hơn thế nữa, chưa thể biết chính xác được, mà nay, có nơi nếu hôn nhân phải đến không dừng được thì chỉ có vài người thân chứng kiến, hay những đám tang ngoài người nằm trong hòm và nhân viên tang lễ là trực tiếp, không có cả người thân bên cạnh, còn lại người dự được chia sẻ, tương tác qua các công cụ của mạng xã hội.

Hằng đêm, cũng có những người tâm sự với bạn COVID-19, hỏi bạn sinh ra từ đâu, bạn oán thoán, giận dữ gì mà muốn tìm đến không từ một ai, một quốc gia nào… những câu hỏi, sẻ chia được tâm sự như hỏi chính mình, hỏi về những ứng xử của con người với tự nhiên với đất mẹ, những câu hỏi mà sự trả lời không dừng ở một khoảng thời gian, một thế hệ hay một quốc gia.

Thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, có những quốc gia như Việt Nam đã từng sống trong trạng thái xã hội thời chiến, thấm thía những giá trị, nâng niu từng giây phút của hòa bình. Nay vì COVID-19, “Chống dịch như chống giặc” có nơi không khí của “thời chiến” như trở về mặc dù không bom rơi, đạn nổ. Sự dò xét, cảnh giác…ánh mắt…cử chỉ…xuất hiện từ những con ngõ đến những đô thị lớn, âu cũng là trạng thái bắt buộc, cần có!

Cũng như trong những lúc khó khăn, thử thách, chính là mảnh đất nảy sinh sự lạc quan, niềm tin. Những bài hát, vần thơ… trước đây phải hàng ngày, hàng tháng thậm chí còn nhiều hơn thế mới ra đời, lan tỏa, nay tính bằng giờ, bằng phút. Những câu chuyện, bộ phim thường chạy trước và sau thực tế cuộc sống, nay như muốn song song với sau. Phải chăng COVID-19 đã hối thúc và làm nên được điều này? Không biết rồi sau khi đánh giá lại các nhà lý luận có thể đúc rút một bước chuyển mới, một giai đoạn mới của văn học, nghệ thuật thời COVID-19 hay hậu COVID-19.

Hình ảnh những người chiến sỹ áo trắng, chiến sỹ áo xanh…được khắc họa như những người ở tuyến đầu với những phẩm chất vốn có được hiện hữu, rõ nét hơn trong “cuộc chiến chống dịch COVID-19”. Những tấm gương, những lời ngợi ca, sự hy sinh vừa trực tiếp, vừa thầm lặng của các anh, các chị đang lan tỏa, tiếp thêm sức mạnh, thắp sáng niềm tin cho toàn xã hội, từng nhà, từng người.

Như đã thành truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta lúc khó khăn, khi hoạn nạn “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách”. Những câu chuyện chia ngọt, sẻ bùi, tấm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào… những sáng kiến hữu ích đầy nhân văn như cây ATM gạo… đã ra đời từ thực tế cuộc sống mùa dịch COVID-19, không cần đề tài nghiên cứu, hay mệnh lệnh chỉ đạo mà xuất phát từ tấm lòng và không chỉ vì tấm lòng.
Còn nhiều câu chuyện, mà như đồng bào nói là kể từ ngày này, sang ngày khác, đêm này sang đêm khác cũng không hết được về tình cảnh do COVID-19 làm thay đổi chúng ta. Nhưng phải kể, phải nói, phải ngợi ca có những người lãnh đạo xả thân ngày đêm, không có Tết cổ truyền dân tộc, những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hay cả những đắn đo, cân nhắc…những hình ảnh vội vàng nhưng rất thời sự về khoảng khắc quyết định khi bước vào những giai đoạn cam go của chiến dịch, cuộc chiến.

Hình như từ sự tạm dừng lại, chậm lại của hầu hết các quan hệ xã hội… bởi dịch COVID-19, nay chúng ta đang dần chuyển trạng thái dần thích nghi, điều chỉnh, thậm chí tiếp tục một số quan hệ không thể dừng mãi được. Liệu đấy là do thời gian hay do quy luật? hay chuyển chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Khi bắt đầu dịch, có lúc đến 80-90% thông tin, thời lượng trên báo, truyền hình, mạng xã hội về chống dịch COVID-19, có người băn khoăn vì sự ngập tràn thông tin, nhất là những cảnh báo, bình luận thiếu cơ sở, gây sự hoang mang, hay tập trung hướng nhìn, dư luận vào một phía, một vế, tất cả cho tiền tuyến phòng, chống dịch, rất ít tiếng nói, câu chuyện và sự chuẩn bị cho hậu phương, sự tái thiết, nhưng rồi thời gian, đến nay đã khác.

Lịch sử nhân loại chứng kiến những cuộc chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai…cướp đi sinh mạng hàng triệu người, làm suy tàn cả nền văn minh, hay xóa cả một dân tộc. Nhưng cũng qua những biến chuyển này, lịch sử cũng sang trang mới, có những quốc gia trở lên hùng cường, hay sản sinh ra những thế hệ mới khác trước.

Đúng là chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai có thể xuất phát từ chủ quan, khách quan, từ con người hay tự nhiên, nhưng đều có nguồn gốc từ sự ứng xử, sự mất cân bằng và là điều không ai mong muốn, nhưng cũng chính nó vừa là thử thách, khó khăn song cũng là thời cơ và hình thành sự thay đổi mang tính bước ngoặt.

Theo dòng lịch sử nhân loại các cuộc cánh mạng công nghiệp với phạm vi ảnh hưởng làm biến chuyển thế giới. Từ những năm đầu của thế kỷ 21 cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhắc tới nhiều hơn, lúc đầu tưởng chỉ ở những nước phát triển, nhưng đến nay tầm vóc và sức ảnh hưởng đã đến mọi quốc gia không phân biệt mạnh, yếu, lớn nhỏ và nó đang trở lên mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn không chỉ ở phương diện quốc gia mà đã đến từng gia đình, cá nhân, dần thống trị ở hầu hết các quan hệ xã hội.
Và sự nhận biết sức mạnh này được thể hiện rõ qua dịch COVID-19, nhiều phương thức giao tiếp trực tiếp đã chuyển thành gián tiếp, mọi quy tắc, mọi nền kinh tế, mọi ngành nghề, thậm chí thách thức cả nội hàm của khái niệm “con người” mạng xã hội, các công cụ công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi chúng ta, tính riêng tư của mỗi cá nhân.

Có những kịch bản liên quan đến dịch COVID-19 đã được phác họa, theo khía cạnh thời gian như dịch kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay đến hết năm 2020, theo ngành như tài chính, du lịch, giao thông… thậm chí khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang được dự báo, nhưng cũng có những kịch bản mang tính bao trùm như: sẽ đẩy lùi, ngăn chặn được dịch; sẽ kiểm soát, khống chế được dịch; dịch sẽ tự lui…

Viễn cảnh về kịch bản thứ nhất cuộc sống kinh tế xã hội sẽ hồi sinh, tái thiết, có thể có những thay đổi nhưng không lớn. Kịch bản thứ hai mang lại bức tranh về những thay đổi tự thân mang tính toàn diện của xã hội từ việc chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân… sẽ có vắc xin phòng dịch, đến việc đi lại, giao tiếp…từ thiết kế không gian sống, không gian công cộng và những tiêu chuẩn về giao thông, đô thị, kiến trúc sẽ thay đổi, đến cả thời trang, thậm chí khẩu trang có thể là bộ phận không thiếu được của trang phục như quần, áo hiện nay…

Còn chỉ khi xuất hiện bởi sự can thiệp của một đấng siêu nhiên, hoặc tự bản thân virus Corona nhận thấy đã hoàn thành sứ mệnh tự rút trong một buổi sáng đẹp trời khi bình minh vừa lên thay thế bóng đêm, trong tiếng gió xào xạc còn lẫn mùi hương, líu lo tiếng chim hót là kịch bản thứ ba chắc chỉ xuất hiện trong giấc mơ hoặc những bộ phim.

Phải chăng ngay từ bây giờ, trong dịch ta phải chuẩn bị cuộc sống sau dịch, thậm chí chung sống cùng với dịch… như cha ông ta chuẩn bị lực lượng, cử người đi đào tạo nước ngoài… từ lúc chiến tranh vẫn còn căng thẳng để lúc hòa bình dựng xây đất nước, hay thân cây phải chuẩn bị mạch nguồn dinh dưỡng, từ lúc nhánh, cành sắp rơi để đâm chồi, nảy lộc trong thời gian tới.

Có nhiều điều sẽ thay đổi hoặc không, như linh tính sự thay đổi về kinh tế với phương thức của nó, văn hóa, gia đình với những giá trị cũ được làm mới lại, hay môi trưởng, tự nhiên sự ứng xử sẽ không chỉ còn trên giấy, nhận thức mà sẽ là hành động thiết thực, cụ thể trên toàn diện các cấp độ từ con người đến quốc gia, khu vực. Những điều bình dị nhất, tự nhiên nhất, gần gũi nhất, con người nhất mà bấy lâu nay cuộc sống cuốn đi, mờ đi, nay trong dịch đang hiện lên như bản năng gốc, giá trị cốt lõi và còn có thể có những thay đổi nữa, có sự mất đi và sự sinh thành.

Liệu đây có là khoảng thời gian chúng ta chậm lại, dừng lại, tự nhìn lại chính chúng ta, cách chúng ta ứng xử với nhau với tự nhiên môi trường?

Liệu đây có phải là cơ hội để chúng ta thay đổi hay thực sự bắt buộc phải đổi thay?

Chắc chắn còn nhiều câu hỏi nữa trong mùa dịch COVID-19.

Nhận thức là một quá trình, với thời điểm này những gì viết lên, nói lên, chưa thể mang tính đúc rút vì còn sớm, có thể có cái đúng, có cái chưa đúng, nhưng chắc chắn sẽ có sự THAY ĐỔI của xã hội, gia đình, cá nhân bởi dịch COVID-19, bởi chính chúng ta, không chỉ bởi chúng ta, mà còn có tính quy luật của tự nhiên, yếu tố khách quan của lịch sử.

Theo NGUYỄN THANH SƠN / VIETTIMES

Đăng nhận xét

0 Nhận xét