Đô đốc Mỹ chỉ trích chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông

Đô đốc Davidson phê phán việc Bắc Kinh phô trương sức mạnh và phớt lờ đề xuất lập cơ chế liên lạc ngăn khủng hoảng trên biển.


Tàu chiến Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông hồi năm 2016. Ảnh: Xinhua.


"Tôi cho rằng mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất với Mỹ và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp chính là Trung Quốc", đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, phát biểu hồi tuần trước tại Diễn đàn An ninh Aspen thường niên ở bang Colorado.

Đô đốc Davidson chỉ trích cách hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, như bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông và dùng lực lượng quân sự để theo dõi tàu, máy bay Mỹ cùng đối tác hoạt động trong khu vực.

"Ngoài việc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc còn đang tăng đáng kể năng lực tàu thuyền, máy bay, tên lửa cũng như khí tài vũ trụ và không gian mạng", ông nói. Davidson lấy dẫn chứng rằng Trung Quốc năm 2000 chỉ có hơn 10 vệ tinh, nhưng năm nay sẽ phóng khoảng 100 vệ tinh, nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, kể cả Mỹ.

Ngoài chỉ trích hành động phô trương quân sự của Trung Quốc, đô đốc Mỹ còn lên án việc Bắc Kinh phớt lờ lời kêu gọi của Washington nhằm thiết lập một cơ chế liên lạc ngăn ngừa khủng hoảng.

"Mỹ từng đề xuất thành lập đường dây liên lạc ngăn chặn khủng hoảng với Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ (phụ trách Biển Đông) và chiến khu Đông Bộ (phụ trách biển Hoa Đông) của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa hồi đáp đề xuất này", ông nói.

Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi về việc tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc liên tục phản đối các chuyến tuần tra duy trì tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, trong khi Washington và các nước Đông Nam Á bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.

Đô đốc Davidson cho rằng cơ chế liên lạc ngăn ngừa khủng hoảng sẽ giúp giảm nguy cơ tính toán sai lầm dẫn tới xung đột quân sự. Ông cũng thể hiện cam kết duy trì hiện diện của Washington tại Biển Đông, cho rằng nó sẽ giúp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

"Nhiều nước ủng hộ mạnh mẽ hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải của chúng tôi, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc", Davidson nói.

Ông tiếp tục chỉ trích tham vọng quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông, mô tả bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6 khiến "nhiều người trong khán phòng lạnh sống lưng".

"Ông ấy không chỉ thể hiện rằng châu Á và tây Thái Bình Dương không có chỗ cho Mỹ, mà Bộ trưởng Ngụy về cơ bản khẳng định châu Á không dành cho người châu Á mà là của Trung Quốc", Davidson nói thêm. Ông còn chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa trên Biển Đông chỉ một thời gian ngắn sau bài phát biểu của ông Ngụy ở Shangri-La.


Chiến hạm Trung Quốc (phải) áp sát khu trục hạm Mỹ tại Trường Sa hồi tháng 9/2018. Ảnh: US Navy.

Quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng về một loạt vấn đề như chiến tranh thương mại, việc Mỹ duyệt hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/7 ra thông cáo thể hiện quan ngại trước thông tin Bắc Kinh có hành vi can thiệp hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam. Mỹ nhấn mạnh "hành động lặp đi lặp lại" của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi "đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

Vũ Anh (Theo SCMP)/ VnExpress

Đăng nhận xét

0 Nhận xét