Việt Nam có thể giúp Triều Tiên hội nhập quốc tế

Một cựu cán bộ ngoại giao Việt Nam nói với kinh nghiệm biến Hoa Kỳ từ thù thành bạn, Việt Nam có thể giúp xây dựng một hình mẫu hội nhập quốc tế cho Triều Tiên.


Ông Phạm Tiến Vân, cựu đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Triều Tiên, phát biểu tại Diễn đàn Thống nhất Hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018 diễn ra hôm 10/5 tại Hà Nội: "Việt Nam có thể giúp Triều Tiên hội nhập quốc tế bằng kinh nghiệm biến quan hệ thù địch với Mỹ trong chiến tranh thành quan hệ hợp tác toàn diện như hiện nay."

Báo VNExpress trích lời ông Phạm Tiến Vân, hiện là phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Hàn, cho rằng quan hệ Việt - Mỹ có bước phát triển lịch sử khi hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện năm 2013.

Ông Vân nhận định bên cạnh việc ủng hộ quá trình phi hạt nhân hoá và hoà giải liên Triều thông qua đàm phán từ hai tới sáu bên. Ông nói: “Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới, cải cách và mở cửa với Triều Tiên.”

“Triều Tiên trước đây ưu tiên quân sự, quốc phòng và ưu tiên bảo vệ chế độ trước kinh tế, nhưng khi đặt kinh tế lên trên, Bình Nhưỡng phải giải quyết vấn đề hạt nhân để mở đường phát triển và hội nhập quốc tế,” cựu đại sứ Việt Nam tại Bình Nhưỡng nói thêm.


Cựu đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc và Triều Tiên Phạm Tiến Vân. Ảnh VNExpress

Trong cuộc gặp tay đôi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng trước, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un chia sẻ viễn kiến của ông, mong muốn mở cửa đất nước bị cô lập nhất thế giới này tiến tới một tiến trình chuyển tiếp tương tự như Việt Nam đã từng trải qua, theo một nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc không muốn nêu danh tính nói với trang tin Pulse hôm 3/5.

Trong cuộc gặp mặt riêng kéo dài 40 phút tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm hôm 27/4, lãnh đạo hai miền Nam-Bắc Triều Tiên nói về nhiều chủ đề khác nhau và ông Kim Jong Un nói với Tổng thống Hàn Quốc rằng ông thích mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam hơn so với mô hình của Trung Quốc.

Nguồn tin của Pulse cho biết Bắc Hàn đã nghiên cứu kỹ các cải cách kinh tế của Việt Nam. Một mặt Việt Nam mở rộng tự do hơn Trung Quốc trong khi duy trì được mối quan hệ thân hữu với Hoa Kỳ.

VNExpress trích lời ông Kim Jung-in, Chủ tịch Hội đồng Tây Đông Nam Á thuộc Hội đồng Tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ, phát biểu tại diễn đàn hôm 10/5 cho rằng trong tương lai, Triều Tiên bắt buộc phải đi theo con đường cải cách và phát triển:

"Đã có nhiều quan điểm cho rằng Triều Tiên khi đó sẽ đi theo hình mẫu kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vốn được gọi bằng cụm từ 'Đổi mới' tại Việt Nam", ông Kim nói.

Ông Kim Jung-in hy vọng Hội đồng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ có cơ hội mời các chuyên gia Triều Tiên để tổ chức diễn đàn hòa bình ngay tại Hà Nội, theo truyền thông Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự kiến lần đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên tại Singapore vào ngày 12/6 tới để thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo.


Theo VOA

Đăng nhận xét

0 Nhận xét